Lúc 11h ngày 19/2, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 74,5 - 77,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 1,25 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Trong khi đó, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 74,5 - 77,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 900.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Không chỉ giảm giá, mức chênh giữa giá mua và giá bán cũng được các doanh nghiệp vàng nới rộng ra khi lên tới 3 triệu đồng.
Với mức giá hiện tại, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn so với giá thế giới tới 19 triệu đồng/lượng.
Điều này có nghĩa người mua phải mua với giá cao hơn nhưng khi bán lại vàng cho “nhà vàng” lại nhận về mức thấp hơn.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng bình luận động thái này thể hiện các công ty đang “đẩy rủi ro” sang cho người mua.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới đạt 5 triệu đồng/lượng là phù hợp, còn giá bán ra vàng SJC chỉ nên cao hơn giá mua vào khoảng 500.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, hiện tại, mức chênh này đã lên tới từ 2,2 triệu đồng tới 2,6 triệu đồng/lượng.
Từ trước đến nay, mua vàng cầu may, cầu tài lộc vào ngày vía Thần Tài đã trở thành thói quen của nhiều người Việt. Nhu cầu mua vàng sau Tết Nguyên Đán do đó cũng tăng mạnh. Quan sát thấy từ ngày 15/2 đến nay, lượng khách hàng đến giao dịch tại các cửa hàng vàng bạc đá quý tăng mạnh. Nhiều người cũng có tâm lý muốn mua vàng trước ngày Thần Tài do thông thường, giá vàng sẽ bị đẩy lên rất cao vào đúng ngày mùng 10 tháng Giêng.
Tuy nhiên, đúng dịp ngày vía Thần Tài năm nay, giá vàng SJC biến động mạnh và khó đoán, không liên tục bị đẩy lên cao như những năm trước. Ngay như trong sáng hôm nay, giá vàng SJC giảm khá mạnh ở nhiều cửa hàng, đặc biệt là chủ yếu giảm ở chiều mua vào, đẩy rủi ro khá lớn cho nhà đầu tư.
Bình luận