Trong sáng ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), dọc theo tuyến đường Nguyễn Công Trứ (thành phố Hà Tĩnh) nhiều phụ nữ kê bàn ghế, bày xôi, thịt quay, trứng phục vụ khách mua về làm cỗ cúng vía Thần Tài.
Bà Ngô Thị Út (phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh) thức dậy từ 2h sáng để nấu 30kg nếp, 50kg thịt quay, 200 quả trứng, tôm,…để chuẩn bị bán ngày vía Thần Tài. 5h30, bà Út cùng con gái bắt đầu bày bán, chỉ trong 3 giờ đồng hồ đã hết sạch xôi.
“Ngày nay, nhiều người đi làm bận rộn, không có thời gian làm mâm cỗ cúng, nắm bắt điều đó, chúng tôi làm bán phục vụ khách. Chúng tôi thường cung cấp các mâm cỗ đầy đủ các món, chế biến sẵn, khách hàng chỉ việc sắp lên mâm và cúng”, bà Út chia sẻ.
Theo truyền thống, mâm “tam sên” sẽ có các món lễ vật tượng trưng cho các hành Thổ -Thuỷ -Thiên. Trong đó, tượng trưng cho Thổ là món thịt lợn luộc hoặc quay; Thủy là tôm, cua, cá; Thiên là trứng gà, trứng vịt.
Xôi được dùng để làm mâm “tam sên” thường là xôi gấc. Sau đó được bó thành hình bông hoa 6 cánh.
Mỗi mâm "tam sên" đầy đủ được bán với giá từ 150.000-200.000 đồng. Chỉ trong một buổi sáng, những tiểu thương này có thể thu về hàng chục triệu đồng.
Vì ngày vía Thần Tài trùng với thứ 2 nên đa số người dân đều đi mua mâm cỗ vào sáng sớm để làm lễ kịp giờ đi làm.
Các tiệm vàng trên đường Nguyễn Công Trứ cũng diễn ra cảnh tấp nập người dân đến mua vàng cầu tài lộc trong ngày vía Thần Tài.
“Ngày vía Thần Tài ngoài việc mua vàng tôi mua thêm mâm tam sên để dâng cúng thần tài. Ngoài xôi, thịt quay, tôm và trứng, mâm cỗ cúng Thần Tài nên có thêm hoa quả để cầu mong một năm mới bình an, sung túc cho gia đình”, chị Thanh Hà, thành phố Hà Tĩnh cho hay.
Bình luận