• Zalo

Ngày thêm vài nghìn ca COVID-19, tiêm vaccine vẫn mắc bệnh, có nên quá lo lắng?

Covid-19Thứ Ba, 26/10/2021 16:56:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trung bình mỗi ngày Việt Nam ghi nhận hơn 3.000 đến 4.000 ca COVID-19, trong khi nhiều người tiêm vaccine vẫn mắc bệnh và lây cho người khác, điều này có đáng lo?

Thời gian qua, trung bình mỗi ngày Việt Nam ghi nhận 3.000 - 4.000 ca COVID-19, trong đó gần 1.000 ca tại cộng đồng. Đáng chú ý, dịch xảy ra ở cả những nơi tỷ lệ tiêm chủng cao như Hà Nội, TP.HCM… Thậm chí người tiêm 2 mũi vaccine vẫn bị nhiễm SARS-CoV-2 và lây nhiễm cho người khác. Điều này khiến nhiều người sợ hãi.

Không nên quá hoảng loạn

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, người dân không nên quá hoảng loạn hay lo lắng. Bởi khi chấp nhận trạng thái bình thường mới và thích ứng an toàn thì chúng ta phải chấp nhận ca cộng đồng, tất nhiên dịch phải được kiểm soát không để bùng phát mạnh, gây quá tải hệ thống y tế.

Nhiều nước trên thế giới không quá quan trọng số ca dương tính mỗi ngày, mà họ ưu tiên kiểm soát số ca ở ngưỡng không để hệ thống y tế quá tải. Để làm được điều đó thì tiêm vaccine COVID-19 là điều kiện quan trọng. Nhờ vaccine mà tỷ lệ người phải nhập viện và tử vong mỗi ngày giảm nhiều dù số ca nhiễm cao.

Ngày thêm vài nghìn ca COVID-19, tiêm vaccine vẫn mắc bệnh, có nên quá lo lắng? - 1

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Đợt dịch thứ 4 đang diễn biến phức tạp với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đều đưa ra chiến lược trạng thái bình thường mới và thích ứng an toàn với dịch bệnh. Với chiến lược này, các nước chấp nhận không thể sạch hết COVID-19 trong cộng đồng, nghĩa là không thể đưa số ca COVID-19 trở về 0 tức là “Zero COVID-19”, mà chỉ khống chế ca bệnh sao cho hệ thống y tế không bị quá tải.

Nước ta cũng vậy. Chúng ta từng bước triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, kiểm soát dịch hiệu quả để không phải giãn cách xã hội kéo dài thêm, đồng thời hạn chế số ca tử vong vì COVID-19. Để làm được điều này, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam phải tiêm phủ vaccine càng sớm, càng rộng càng tốt.

“Chúng ta không cần quan tâm mỗi ngày bao nhiêu ca COVID-19, mà cần biết số ca nhập viện, ca nặng hay tử vong đã giảm nhiều. Chiến lược phù hợp, kết hợp với tăng tốc tiêm vaccine sẽ giúp chúng ta giảm tỷ lệ lây lan, giảm số bệnh nhân triệu chứng, bệnh nhân nhập viện cũng như tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất, để từ đó hướng tới thích ứng an toàn và bình thường mới.

Nghị quyết 128 cũng đặt ra tiêu chí rất rõ, khống chế ca bệnh ở ngưỡng thấp; tăng tỷ lệ phủ vaccine cao nhất và nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống y tế sao cho không quá tải. Do đó, tôi thấy chúng ta đang đi đúng hướng và làm rất tốt. Tất nhiên không phải nói hơn 3.000 đến 4.000 ca mắc mỗi ngày là chúng ta buông xuôi, mà phải tiếp tục giảm số người mắc tới mức thấp nhất có thể, chứ không thể 'Zero COVID-19' được”, ông Phu nhấn mạnh.

Ngày thêm vài nghìn ca COVID-19, tiêm vaccine vẫn mắc bệnh, có nên quá lo lắng? - 2

Chuyên gia khuyến cáo người dân dù tiêm đủ vaccine nhưng vẫn phải tuân thủ 5K để bảo vệ bản thân và mọi người.

Chia sẻ về việc tiêm vaccine đủ nhưng vẫn nhiễm bệnh và lây cho người khác, ông Phu cho rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Ổ dịch mới đây nhất tại Bệnh viện Việt Đức hay huyện Quốc Oai… là ví dụ điển hình. Mục đích của việc tiêm vaccine là hạn chế những ca bệnh nặng và tử vong, từ đó tránh được sự quá tải của hệ thống y tế, chứ không phải khẳng định 100% một người không thể mắc COVID-19.

Vì vậy, hiện nay, dù tiêm vaccine nhưng chúng ta vẫn phải hướng tới kiểm soát dịch có hiệu quả, không để lây lan, vẫn phải truy vết, cách ly người bệnh và người dân vẫn cần tuân thủ 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi vaccine ở Việt Nam chưa cao, trẻ em còn chưa được tiêm.

"Ngoài ra, sau khi nới lỏng giãn cách, nguy cơ lây nhiễm từ những vùng có dịch sang tỉnh, thành phố vùng xanh rất lớn, nhất là nơi chưa được tiêm phủ vaccine nhiều. Nếu bùng phát dịch tại những địa bàn như vậy, nguy cơ quá tải hệ thống y tế rất cao. Do đó, ngoài tiêm vaccine, chúng ta phải tiếp tục các biện pháp rà soát, kiểm tra, truy vết, cách ly và xét nghiệm sao cho chặt chẽ, hiệu quả”, ông Phu nhấn mạnh.

Chưa quá tải

BS CKII Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nêu, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều không dùng thuật ngữ “Zero COVID-19”. Điều quan trọng ở đây là làm sao sống chung an toàn, kiểm soát dịch.

"Mọi người không nên quá quan tâm tới việc có bao nhiêu ca mỗi ngày hoặc tại sao người tiêm đủ vaccine COVID-19 rồi mà vẫn mắc bệnh. Bởi chưa ai dám khẳng định tiêm đủ vaccine là không nhiễm SARS-CoV-2. Mặt khác, chúng ta đang từng bước triển khai thích ứng an toàn và bình thường mới. Để sống chung với COVID-19 thì cố gắng số ca bệnh ở ngưỡng xử lý được, giúp hệ thống y tế không bị quá tải”, ông Hà nói.

Ngày thêm vài nghìn ca COVID-19, tiêm vaccine vẫn mắc bệnh, có nên quá lo lắng? - 3

BS CKII Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam. (Ảnh: Tiểu Nhã)

“Mục tiêu hiện nay là giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng, tỷ lệ người tử vong chứ không phải là không có người mắc COVID-19. Trong khi dù tiêm đủ vaccine chúng ta vẫn có thể nhiễm và lây bệnh cho người khác. Đó là chưa kể thời gian qua một số tỉnh thành như TP.HCM, Bình Dương… dịch ngấm sâu và lan rộng, nên việc đưa số ca bệnh giảm thấp ngay là chuyện không thể, mà chúng ta đang kiểm soát tốt để số ca không bị tăng quá cao, nằm trong ngưỡng cho phép”, ông Hà giải thích thêm.

BS Nguyễn Hồng Hà cũng cho rằng, nếu xuất hiện vài nghìn ca mắc mỗi ngày thì hệ thống y tế Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được, chưa bị quá tải. Hà Nội cũng vậy, hiện nay trung bình mỗi ngày ghi nhận hơn 10 ca COVID-19. So với dân số tương ứng khả năng điều trị của ngành y tế Thủ đô thì mỗi ngày tới 3.000 ca vẫn đáp ứng được.

“Đã xác định thích ứng sao cho an toàn và kiểm soát hiệu quả thì phải chấp nhận vẫn sẽ còn ca bệnh cộng đồng. Quan trọng là chúng ta xử lý sao với ca bệnh đó, dập một ổ dịch thế nào nhằm hạn chế sự lây lan. Cùng với đó là khả năng bao phủ vaccine cần tăng lên từng ngày. Có được điều kiện như thế thì hệ thống y tế sẽ không bị quá tải, đáp ứng tốt được khả năng thu dung các bệnh nhân nặng, giảm thiểu tối đa bệnh nhân tử vong”, ông Hà nhấn mạnh.

Ngày thêm vài nghìn ca COVID-19, tiêm vaccine vẫn mắc bệnh, có nên quá lo lắng? - 4

Tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện và tử vong do COVID-19 tại Việt Nam những ngày qua đang giảm rõ rệt nhờ chiến lược đúng hướng và tăng tốc độ tiêm phủ vaccine diện rộng.

Theo ông Hà, tổng số ca bệnh hiện nay ở Việt Nam đang tính là những người có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Trong đó gồm cả các bệnh nhân không triệu chứng, bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và các bệnh nhân nặng cần sự chăm sóc của y tế. Nhưng nhờ vaccine và chiến lược thích ứng an toàn vừa qua, tỷ lệ bệnh nhân nặng, cần tới sự chăm sóc của y tế giảm rất nhiều. Nhờ đó tỷ lệ bệnh nhân tử vong cũng giảm. Thậm chí có những nghiên cứu chứng minh rằng, tiêm đủ vaccine giảm tới hơn 90% bệnh nhân chuyển biến nặng.

“Nhiều nước trên thế giới không quan tâm việc có bao nhiêu bệnh nhân mắc nữa, dù có thể tỷ lệ mắc bệnh của họ còn cao. Các nước hay Việt Nam đều đang hướng tới làm sao để bảo vệ được những người nguy cơ chuyển nặng nếu không may mắc bệnh như người già, người mắc bệnh lý nền…. Vì vậy, vaccine vẫn là điều kiện rất quan trọng.

Tuy nhiên, không phải cứ tiêm là không nhiễm. Do đó, những người tiêm đủ cũng cần tự bảo vệ mình và bảo vệ mọi người, tránh chủ quan để lây nhiễm bệnh cho những người chưa tiêm. Điều quan trọng nhất là dù tiêm hay không mọi người vẫn cần phải tuân thủ 5K và các khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ chính mình và cộng đồng”, ông Hà nhấn mạnh.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp