Một ngày, 2 vành khăn tang
Cứ mỗi độ tháng 3 về, hình ảnh cụ bà với mái tóc điểm sương trắng xóa, trầm ngâm bên bậc thềm cùng tấm áo lính hải quân sờn cũ trước số nhà 15 Hưng Hóa 3 (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) in đậm trong tâm trí nhiều người.
Cụ là Lê Thị Muộn (89 tuổi), mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự - người chiến sĩ cảm tử trong trận chiến Gạc Ma diễn ra vào ngày 14/3/1988.
Và cũng vào một ngày đầu tháng 3, tôi tìm gặp cụ Muộn.
Trùng hợp, hôm nay, 7 người con cùng dâu, rể và đám cháu chắt cũng đang quây quần bên cụ.
Những mẩu chuyện về những ngày tháng 3 đau thương của gia đình lại được các thế hệ đi trước kể lại cho con cháu.
Đầu tháng 3/1988, sắc xuân nở rộ, cùng lớp lớp thanh niên, một người con của gia đình là anh Phan Văn Sự (SN 1968) – bấy giờ đang công tác tại Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân hăng hái xung phong ra xây dựng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn – quần đảo Trường Sa).
“Ngày thằng Sự gói ghém ba lô lên đường, ba của nó vừa trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh. Hắn đi, gác lại niềm hạnh phúc riêng tư và chỉ mang trong mình hoài bão đóng góp sức mọn xây dựng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, cụ Muộn nhớ lại.
Rời cảng Cam Ranh ngày 11/3, đến chiều 13/3, con tàu HQ 604 vượt trùng khơi, đưa anh Sự và đoàn chiến sĩ ra đến đảo Gạc Ma. Ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay giữa vùng biển đảo chủ quyền thiêng liêng.
Rạng sáng 14/3, 3 con tàu chở đội quân Trung Quốc áp sát tàu HQ604 và yêu cầu hạ cờ. Trước sự kiên trung và chống cự quả cảm của các chiến sĩ hải quân Việt Nam, phía Trung Quốc nã đạn liên tục và nhấn chìm tàu HQ604. Anh Sự cùng 63 người trên tàu anh dũng hy sinh.
Nhắc đến đây, bà Phan Thị Lựu (chị gái liệt sĩ Phan Văn Sự) ngấn lệ. Giọng bùi ngùi, bà Lựu hồi tưởng: “Sáng 14/3, tôi túc trực chăm ba đang nằm điều trị ở bệnh viện thì loa phát thanh thông tin về trận chiến Gạc Ma.
Tôi còn nhớ như in, danh sách 64 chiến sĩ hy sinh lần lượt được loa phát thanh phóng lên rất to. Cái tên em trai tôi được đọc ở số thứ tự 64, lúc ấy, ba tôi ngã khuỵu và trút hơi thở cuối cùng”.
Và trong cái ngày 14/3 bi hùng ấy, gia đình đón nhận 2 nỗi đau. Cụ Muộn và các con vắn trên đầu 2 vành khăn tang. Một khăn tang cho người con đã hy sinh xương máu vì hòn đảo chủ quyền của đất nước và một chiếc khăn tang cho người chồng, người cha ra đi mãi mãi bởi cú sốc trước nỗi đau mất con.
32 năm dằng dặc trôi qua, tháng 3 năm nào, gia đình cụ Muộn cũng tổ chức ngày “giỗ chung”.
Kỷ vật cuối
Anh Sự hy sinh, gia tài anh để lại cho người mẹ chỉ có tấm áo lính hải quân sờn bạc cùng bức ảnh chân dung cũ nhàu.
Ngày đón nhận tấm áo người lính từ đồng đội của con trai, cụ Muộn tự tay khâu từng đường kim, mũi chỉ và may kỷ vật ấy thành chiếc áo bà ba.
“Mỗi dịp gặp mặt thân cựu binh Trường Sa, tôi lại mặc chiếc áo được may từ quân phục của thằng Sự. Bình thường, tôi vẫn xếp gọn gàng tấm áo ấy rồi đặt trong gối ngủ để lúc nào cũng có cảm giác được ở bên đứa con anh hùng của mình.
Hàng chục năm như thế, chiếc áo gắn chặt cùng tôi như hình với bóng”, cụ Muộn trải lòng.
Nhưng cách đây không lâu, khi được vận động và mất một thời gian đắn đo, cụ Muộn quyết định hiến tặng kỷ vật cuối cùng của con trai tưởng như không thể tách rời cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (đặt tại Cam Ranh, Khánh Hòa).
“Tôi không thể giữ mãi chiếc áo ấy bên mình dù nó là tất cả những gì con trai để lại. Gửi kỷ vật này vào khu tưởng niệm các chiến sĩ đã cùng thằng Sự hy sinh trong trận Gạc Ma cũng là để các đồng đội của con có dịp được nhìn thấy áo thì nhớ tới nó.
Giờ tôi chỉ đau đáu nỗi hoài mong là con tàu HQ604 một ngày nào đó sẽ được trục vớt. May mắn hơn, hài cốt của các chiến sĩ Gạc Ma sẽ được tìm thấy, trong đó có thằng Sự”, người mẹ già của liệt sĩ Gạc Ma chia sẻ.
Giờ đây, ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Muộn sống nương nhờ vào 7 người con. Ngày qua ngày, cụ sống trong cảnh đề huề cháu con nhưng lúc nào cụ cũng mang nỗi nhớ da diết về thằng Bảy (anh Sự) - đứa con đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển trời Trường Sa.
Video: Trận chiến Gạc Ma qua lời kể cựu chiến binh (Nguồn: VTC1)
Bình luận