Ngày 31/10, trả lời VTC News, đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo, trong kỳ điều hành chiều, giá xăng có khả năng tăng nhẹ.
"Kỳ điều hành ngày 1/11 giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng nhẹ. Mức tăng phụ thuộc vào việc điều hành quỹ bình ổn giá”, vị này nói và dự báo mức tăng trong khoảng 300 - 500 đồng/lít với xăng và 400 - 600 đồng/lít với dầu diesel. Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước có lần tăng thứ 3 liên tiếp trong một tháng.
Dự báo biến động giá xăng dầu trong nước được dựa trên xu hướng tăng của giá dầu thế giới. Theo Oilprice, lúc 10h30 ngày 31/10, giá dầu WTI giao dịch ở mức 87,54 USD/thùng, giảm nhẹ 0,36 USD, còn dầu Brent giao dịch mức 95,27 USD/thùng, giảm nhẹ 0,5 USD/thùng. Tuy nhiên tính cả tuần, giá dầu thế giới tăng khoảng 2 - 3%.
Dữ liệu mới cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy giá xăng A95 nhập từ Singapore là 96,01 USD/thùng, xăng A92 là 91,4 USD/thùng. Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 94,830 USD/thùng xăng RON95 và 91,299 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92.
Tại kỳ điều hành trước, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá xăng E5 RON 92 thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu kỳ điều hành này cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 400 đồng/lít.
Đề nghị giao toàn bộ quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương quyết định các vấn đề về xăng dầu.
"Sắp tới sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn bộ phần xăng dầu cho Bộ Công Thương, kể cả quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo nguồn cung chủ động", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra thực trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên thị trường trong nước. Trong 9 tháng đầu năm nay, tính cả sản xuất và nhập khẩu, các doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu khoảng 19,2 triệu tấn.
Theo Bộ Tài chính, trong năm nay, đã thực hiện một số biện pháp để ổn định giá và nguồn cung xăng dầu, như giảm các loại thuế (thuế môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt...), điều chỉnh nâng chi phí định mức.
"Bộ Tài chính có văn bản xin ý kiến các doanh nghiệp đầu mối và Bộ Công Thương để xem xét có nâng chi phí định mức hay không, nhưng chỉ nhận được văn bản phản hồi của 6 đơn vị đầu mối, tức là chiếm 8,5% sản lượng xăng dầu và chưa nhận được ý kiến của Bộ Công Thương", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm.
Về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, cần tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, chủ động trong nguồn cung và hệ thống đầu mối phân phối, bán lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, qua đó đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất, phục vụ sản xuất kinh doanh.
Bình luận