Thần chết di động trên phố
Vật vã bên linh cữu chồng, chị Lê Thị Hồng Trà (phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, Bình Định) không chấp nhận nổi thực tế là mới một ngày trước đó, trưa 11/4/2019, chị và anh vẫn còn ngồi với nhau bên mâm cơm. “Anh ấy nói với tôi là ăn xong bát cơm này, anh đi khiêng quan tài cho một gia đình trên đường Nguyễn Công Trứ”, quả phụ 35 tuổi đau đớn kể.
Đó là cuộc trò chuyện cuối cùng giữa họ. Chỉ 1 tiếng đồng hồ sau, chị Trà gặp lại chồng nhưng anh chỉ còn là cái xác bất động trên đường. Đang đi khiêng quan tài cho người ta, chỉ trong chớp mắt anh lại trở thành người nằm trong quan tài. Cùng với anh, 3 người khác cũng mất mạng do lái xe Nguyễn Đức Huyện đâm vào. Trước đó, tài xế này uống vài ly rượu.
4 người thiệt mạng đều là lao động chính trong gia đình. Cái chết của họ khiến 4 mái ấm tan vỡ, để lại những thiếu phụ mất chồng, những đứa trẻ mất cha và những người cha, người mẹ già khô héo cạn nước mắt khóc kẻ đầu xanh.
Sau khi gây thảm họa, tài xế dừng xe, quỳ xuống đường xin lỗi. Nhưng hình phạt nào có thể mang những người vừa chết oan ức kia trở lại? Lời xin lỗi nào có thể an ủi được sự đau đớn, bù đắp được mất mát của thân nhân đang sống?
Sự việc trên chỉ là một trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng do tài xế uống rượu bia gây ra. Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ, nguyên nhân lái xe sử dụng rượu bia chiếm tỷ lệ hơn 43%.
Còn theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Mỗi năm, người Việt ném 3,4 tỷ USD vào thứ đồ uống chết người này. Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi đất nước chúng ta được xếp vào nhóm “cường quốc” sử dụng rượu bia trên thế giới.
Rất dễ dàng bắt gặp cảnh "chén chú chén anh" vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả lúc sáng sớm là thời gian bắt đầu ngày làm việc. Và khi “nhà có đám”, dù là đám ma, đám cưới, đám giỗ, tiệc thôi nôi hay chỉ đơn giản là lâu ngày gặp nhau, hễ có tụ tập cỗ bàn là ngập tràn bia rượu.
Bên mâm, người ta ép nhau uống, lấy số lượng chén rượu, cốc bia làm thông số đo độ nhiệt tình, chân thành của nhau. Sếp thể hiện sự quý mến với nhân viên qua chén rượu. Nhân viên lấy lòng sếp qua cốc bia.
Những người bạn thể hiện sự “hết lòng hết dạ” với nhau qua những tiếng "dô" hùng hổ. Và trớ trêu nhất là sau cuộc rượu, phần lớn những con người đang phừng phừng hơi men đó leo lên xe, nhiều người trong số họ trở thành thần chết của người khác.
Ngay cả những người kiếm sống bằng nghề cầm vô lăng cũng phải kinh hãi trước tình trạng này. Tháng 5/2019, tài xế Phan Bá Mạnh (Long Biên, Hà Nội) gửi tâm thư đến lãnh đạo Chính phủ, đề nghị sớm có biện pháp mạnh đối với tài xế say xỉn.
"Tôi thấy ghê sợ những bác tài uống bia rượu say vẫn cầm lái phăng phăng trên phố. Họ, không ai khác, chính là những thần chết di động trên phố. Họ có thể lấy đi bất cứ tính mạng của ai trên đường", ông Mạnh viết.
Chính vị tài xế này cũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng mức xử phạt đối với các tài xế sử dụng rượu bia vượt mức quy định.
Chưa bao giờ xôn xao đến vậy
Trong bối cảnh đó, Luật Phòng chống tác hại của bia rượu và Nghị định 100/2019 của Chính phủ ra đời - trong đó có điều khoản nghiêm cấm lái xe uống rượu bia được toàn xã hội đồng tình ủng hộ. Nhiều người tỏ ra vui mừng bởi những lo âu về hiểm hoạ tai nạn giao thông do rượu bia gây nên phần nào được giải toả.
Có thể nói, hiếm có luật nào nhận được sự đồng thuận cao đến thế trong dân chúng. Khắp ngóc ngách phố phường, đường làng ngõ xóm, người ta bàn tán xôn xao về Luật Phòng chống tác hại của bia rượu và Nghị định 100/2019 của Chính phủ. Trước đây, những điều luật khô khan chẳng bao giờ có thể khiến người dân quan tâm bàn tán đến thế.
Bởi đối với bất cứ ai, sinh mệnh và sự vẹn toàn thân thể vẫn là trên hết, nên không thể để những tên tài xế say xỉn ôm vô lăng như thần chết cầm lưỡi hái lao điên dại trên đường, gieo rắc nỗi kinh hoàng và thảm kịch cho cả xã hội.
Quy định ngặt nghèo trong Nghị định 100/2019 của Chính phủ có tác dụng rất tốt, đánh thẳng vào tiềm thức u mê của những con người xưa nay bừa bãi trong việc uống rượu và lái xe.
Trước đây, nhiều người vẫn nhắm mắt cầm vô lăng sau khi tặc lưỡi để “chén chú chén anh” vì chẳng ai nghĩ mình sẽ bị tai nạn hay gây tai nạn.
Nhưng giờ đây thì khác, nhiều người chỉ nhấp 1-2 chén rượu trong bữa nhậu của dòng họ cũng giật mình lo sợ bị phạt. Chén rượu nào sẽ còn đem lại niềm vui khi chỉ sơ sẩy một chút cũng mất ngay vài chục triệu đồng.
Tất cả như bừng tỉnh sau khi pháp luật được áp dụng và thực thi nghiêm khắc. Điều đó có nghĩa tai nạn giao thông sẽ giảm mạnh, những cái chết thương tâm, những vụ tai nạn thảm hoạ cũng không còn nhan nhản như trước.
Phải nghĩ đến bỏ tù lái xe rượu bia
"Đã uống rượu bia, không lái xe", khẩu hiệu này đã quá quen thuộc. Ai cũng nhận thức được sự nguy hiểm của việc lái xe khi có hơi men, nhưng rồi người ta vẫn tặc lưỡi cầm lái.
Hơn bao giờ hết, đã đến lúc pháp luật ở đất nước này phải được thực hiện một cách ngặt nghèo mới mong chấn hưng được nền giao thông hoang dại, để bạn bè quốc tế không còn nhìn nền giao thông này với con mắt kinh sợ.
Nếu chỉ dừng lại ở mức nêu khẩu hiệu, họ sẽ còn vin vào rất nhiều lý do để tự cho phép mình uống vài cốc trước khi làm tài xế, để rồi sau khi gây họa lại quỳ xuống dập đầu, khóc lóc trong cơn hối hận muộn màng.
Dù mức phạt theo quy định mới không hề thấp, khiến các tài xế phải nhớ cả đời nhưng không ít người cho rằng, hình phạt mà nhà làm luật đưa ra cho những tài xế uống rượu bia vẫn còn có thể tăng thêm.
Theo đó, mức phạt lớn nhất là 30 - 40 triệu đồng đối với người lái ô tô và 6 - 8 triệu đối với người đi xe máy được đánh giá quá thấp so với rất nhiều nước trên thế giới.
Tại Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở (tương đương 1 ly bia), tài xế có thể bị tù tới 3 năm và nộp phạt 500.000 yen (khoảng 104 triệu đồng). Những hành khách chấp nhận ngồi trên chiếc xe có tài xế không tỉnh táo do bia rượu cũng có thể bị phạt tiền, thậm chí ngồi tù.
Các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc và Anh cũng đều áp dụng hình phạt tù, phạt tiền và lao động công ích đối với những kẻ lái xe sau khi uống rượu bia.
Có mối liên hệ rất rõ ràng giữa mức phạt dành cho tài xế “ma men” và số vụ tai nạn. Nghiên cứu của Ủy ban Sức khỏe và Y dược Mỹ chỉ ra, ở các bang có luật lệ nghiêm khắc và mức phạt cao hơn, tỷ lệ tai nạn vì rượu bia thấp hơn hẳn các bang khác. Ở các quốc gia có hình phạt nghiêm khắc đối với những lái xe uống rượu bia, tỷ lệ tai nạn giao thông vào loại thấp nhất thế giới.
Luật pháp có nghiêm thì ý thức chấp hành luật giao thông của tài xế mới thay đổi. Mỗi tài xế phải tuân thủ pháp luật thì chúng ta mới hy vọng có một xã hội trật tự, nghiêm chỉnh.
Hơn bao giờ hết, đã đến lúc pháp luật ở đất nước này phải được thực hiện một cách ngặt nghèo mới mong chấn hưng được nền giao thông hoang dại, để bạn bè quốc tế không còn nhìn nền giao thông này với con mắt kinh sợ.
Đã đến lúc các nhà làm luật cần nghiên cứu, cân nhắc và bắt đầu nghĩ đến việc bỏ tù những kẻ sử dụng ma tuý, rượu bia và những chất kích thích khác khi lái xe.
Bình luận