Chăn nuôi và thủy sản là hai trụ cột của ngành nông nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng duy trì từ 5-7% mỗi năm, ngành chăn nuôi đang đóng góp hơn 25% GDP (tổng giá trị hàng hóa) của ngành nông nghiệp. Trong khi đó, thủy sản đang đóng góp đến gần 24% GDP ngành nông nghiệp.
Thế nhưng, trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nguồn tài nguyên hạn hẹp thì việc duy trì mô hình chăn nuôi và sản xuất thủy sản truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức.
Chính vì vậy, để nâng cao giá trị sản xuất thì chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đang là xu thế tất yếu của những ngành này.
Nỗ lực phát triển xanh của ngành thủy sản
Không chỉ mưa bão, lũ lụt, ngành thủy sản còn thường xuyên đối mặt với dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước và sản lượng thủy sản. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến ngành này.
TS. Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (Icafis) cho biết, thiên tai, dịch bệnh đang khiến ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Ngành thủy sản của Việt Nam đang đối mặt với thách thức rất lớn, đó chính là biến đổi khí hậu.
“35 năm rồi mới có cơn bão cực mạnh như Yagi, nó gần như tàn phá mọi thứ. Cơn bão này cũng thể hiện phần nào sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ trái đất đang tăng cao, nước biển đang dâng lên và thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy sản, ông Lựu nói.
Theo ông Lựu, để phát triển bền vững, giảm phát thải nhà kính thì người dân nuôi thủy sản phải thay đổi phương thức sản xuất cũ, cần áp dụng công nghệ nuôi trồng mới thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lựu cho rằng, giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thủy sản là một yếu tố quan trọng để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững. Một trong những giải pháp tiềm năng là áp dụng các lựa chọn thay thế thức ăn có lượng phát thải thấp. Việc chuyển sang thức ăn làm từ tảo hoặc protein côn trùng có thể giúp giảm lượng khí thải carbon trong ngành công nghiệp này.
Ngoài ra, việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào hoạt động nuôi trồng thủy sản sẽ kéo giảm lượng khí thải. Những nguồn năng lượng này có thể cung cấp năng lượng cho hệ thống sục khí, máy bơm nước và các thiết bị thiết yếu khác, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
“Hiện nay, Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành đã chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi trồng như cung cấp tín dụng ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống và phát triển hạ tầng. Song song đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển và chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng đã tạo ra những cơ hội mới cho ngành thủy sản”, ông Lựu nói.
Theo ông Lựu, ngành thủy sản cần xây dựng lộ trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất. Mục tiêu lớn hàng đầu là phải giảm được khí thải carbon.
Thêm giải pháp cho phát triển bền vững
Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Icafis nhận định, ngoài những khó khăn vì thiên tai thì thách thức của ngành thủy sản hiện nay còn là giá nguyên liệu đầu vào. Giá thức ăn, giá nhiên liệu đang còn nhiều biến động, không ổn định. Chất lượng con giống chưa đảm bảo (trừ tôm).
Theo ông Lựu, mặc dù đã có chủ trương về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nhưng ngành nuôi chưa có lộ trình cụ thể. Nhận thức của người tham gia trong chuỗi giá trị chưa rõ ràng nên chưa tạo được liên kết chuỗi một cách thực sự, đúng nghĩa. Những lý do nói này khiến các cơ sở sản xuất khó có thể nhận chứng chỉ sản xuất hay sau này là chứng chỉ carbon.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam (Vinafis) chia sẻ, nghề nuôi thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi thủy sản ở biển cần được tổ chức, quy hoạch lại các vùng nuôi, đối tượng nuôi.
Người nuôi thủy sản phải áp dụng công nghệ cao để đáp ứng việc nuôi an toàn, hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ cũng sẽ giảm thiểu được thiệt hại trước tác động của thiên tai như cơn bão Yagi vừa qua.
Để thích ứng với những biến đổi của thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững, ngành nuôi trồng thủy sản cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể.
Thứ nhất là đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Thứ hai, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, phát triển thị trường thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới và nâng cao giá trị thương hiệu cho thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận công nghệ mới cũng là một hướng đi quan trọng.
Ông Thắng cho biết, vào ngày 9 – 11/10 sắp tới đây, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thủy sản - Aquaculture Vietnam 2024 sẽ diễn ra ở TP.HCM. Đây là sự kiện quy tụ hàng trăm doanh nghiệp tham gia và 4.000 khách tham quan từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sự kiện sẽ là cầu nối rất tốt để cho doanh nghiệp thủy sản Việt tìm kiếm thị trường, công nghệ và xu hướng mới.
Ngành chăn nuôi cũng áp lực với việc phát thải
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT), Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng và đứng thứ 6 về sản lượng thịt. Chăn nuôi đang đóng góp 25,26% vào GDP của ngành nông nghiệp. Năm 2024, ngành này đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, việc chuyển từ mô hình chăn nuôi nhỏ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đang đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo vệ môi trường, phát thải khí nhà kính. Theo tính toán của Bộ NN & PTNT, mỗi năm, ngành chăn nuôi thải khoảng 61 triệu tấn phân và hơn 304 triệu m3 nước thải. Nếu không kiểm soát tốt, ngành chăn nuôi sẽ phát thải hơn 15 triệu tấn CO2.
Tại một hội thảo về chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT cho biết, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh việc tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, chuyển đổi thành năng lượng xanh. Những việc này sẽ giúp nền nông nghiệp có lượng phát thải thấp, chung tay vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chính vì những áp lực về phát thải nói trên mà trong Quyết định 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045 thì Chính phủ đã đề ra những mục tiêu và phương hướng rõ ràng nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Theo đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi là yếu tố quan trọng để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững. Một trong những giải pháp tiềm năng là lựa chọn các loại thức ăn chăn nuôi có lượng phát thải thấp. Việc thay thế, chuyển sang thức ăn làm từ tảo hoặc protein côn trùng có thể giúp giảm lượng khí thải carbon cho ngành.
Cục Chăn nuôi - Bộ NN & PTNT nhận định, ngành chăn nuôi của Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng với những cơ hội và thách thức song hành. Theo đó, việc chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi xanh không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là con đường duy nhất để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
Chính vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu để xanh hóa ngành chăn nuôi là tăng cường hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, nhằm tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Bởi, với sự đầu tư đúng đắn và sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ, ngành chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những thành tựu đáng kể.
Mới đây Australia đã cam kết cung cấp các giải pháp công nghệ cho các trang trại chăn nuôi ở Việt Nam nhằm chuyển đổi khí biogas thành điện, tiết kiệm chi phí điện năng và cải thiện chất lượng môi trường. Điều này thúc đẩy nền nông nghiệp tuần hoàn đi lên.
Chính phủ Australia và Việt Nam đang cùng nhau tham gia và cam kết giảm phát thải khí Metan toàn cầu với mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 30% so với năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành cũng đang ráo riết thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch cho phát triển kinh tế xanh nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Bình luận