Ngày 11/10, triển lãm Vietstock 2023 diễn ra tại TP.HCM. Đây là triển lãm quốc tế chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt hàng đầu tại Việt Nam.
Tại triển lãm, các chuyên gia nhận định, Việt Nam có diện tích “khiêm tốn” đứng thứ 66 thế giới, dân số đứng thứ 15 thế giới nhưng năng lực sản xuất, chăn nuôi lại đứng top đầu của thế giới.
Cụ thể, thủy cầm của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới với hơn 100 triệu con; tổng đàn lợn đứng thứ 5 thế giới với 29,1 triệu con; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 Đông Nam Á và xếp thứ 12 thế giới…
Trong 10 năm qua, tăng trưởng ngành chăn nuôi của Việt Nam duy trì tốc độ 5-7%/năm. Sản lượng thịt các loại tăng 1,8 lần, từ 4 triệu tấn lên hơn 7,4 triệu tấn. Sản lượng trứng tăng 2,9 lần, từ gần 6,4 tỷ quả lên 18,3 tỷ quả. Sữa tươi tăng 3,7 lần, từ 0,3 triệu tấn lên 1,12 triệu tấn.
Riêng năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 23,7 tỷ USD chiếm gần 27% giá trị sản xuất nông nghiệp và 5,8% tổng GDP quốc gia. Đặc biệt, tạo sinh sinh kế cho hơn 10 triệu lao động tại nông thôn, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm cho 100 triệu dân cùng hàng triệu khách du lịch.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đạt 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Bà Margaret Ma Connolly, Chủ tịch Tập đoàn Informa Markets, Khu vực Châu Á cho biết, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không những góp phần bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm mà còn bảo đảm an ninh dinh dưỡng cho toàn thể người dân.
Theo bà Margaret Ma Connolly, khả năng chủ động về thực phẩm do ngành chăn nuôi cung cấp là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam chủ động phòng chống dịch COVID-19 thành công.
“Sự phát triển ngành chăn nuôi ở Việt Nam đã mở đường cho sự phát triển của thị trường protein động vật và các sản phẩm hữu cơ. Điều này khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và mở ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh”, bà Margaret Ma Connolly nói.
Tại triển lãm, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng nhanh và nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng thì việc phát triển chăn nuôi hiệu quả, an toàn và bền vững luôn được Chính phủ quan tâm, hỗ trợ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng như thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: dịch bệnh, môi trường chăn nuôi, biến đổi khí hậu, tình trạng kháng kháng sinh, biến động thị trường nguyên liệu …
Chính vì vậy, ông Tiến nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi cần phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh để giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Công nghệ chăn nuôi phải chính xác, hiện đại, gắn với chuyển đổi số để giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
“Ngành chăn nuôi cũng cần phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và an toàn thực phẩm trong sản xuất. Ngoài ra, công nghệ giết mổ, bảo quản và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi cũng cần hết sức chú trọng”, ông Tiến cho hay.
Với mục đích đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác về nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, Triển lãm Vietstock 2023 sẽ là “chiếc cầu” để cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước kết nối, chia sẻ, học hỏi các kỹ thuật tiên tiến.
Bình luận