Đề xuất trên do Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu tại buổi thảo luận sáng nay (28/10) trong khuôn khổ Kỳ họp 8, Quốc hội khoá XV về chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Ông Phước lo ngại hoạt động đấu giá đất hiện nay không thực chất, có nguy cơ trở thành công cụ để lũng đoạn, thị trường buôn bán thành nơi trục lợi. Để khắc phục tình trạng bỏ cọc, trục lợi thị trường bất động sản, ông Phước đưa ra giải pháp tăng giá tiền đặt cọc theo từng vòng, theo lũy tuyến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc.
Tranh luận với đề xuất này của đại biểu Dương Văn Phước, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, không thể tăng tiền đặt cọc vì "nếu tăng sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh".
Theo ông Cường để ngăn tình trạng thổi giá, bỏ cọc sau khi đấu thầu, cần phải đưa ra quy định là người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.
Đồng thời cần công khai người bỏ cọc khi đấu giá đất để hạn chế trục lợi, "nếu có quy định như vậy những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh được". Cùng đó loại bỏ được những người không có nhu cầu sử dụng, tham gia đấu giá để mua đi bán lại hoặc những người cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nhắc lại các phiên đấu giá vùng ven được tổ chức xuyên đêm, ghi nhận hàng trăm, hàng nghìn người chấp nhận ăn chực nằm chờ để đấu được suất đất. Giá trúng cao kỷ lục, dù ở huyện ven đô nhưng cũng lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, tương đương đất dự án đã đầu tư hạ tầng.
Theo nữ đại biểu, lãnh đạo Bộ Xây dựng từng xác nhận tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đang là một nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà đất tăng cao như vừa qua. Thực tế cũng cho thấy điều này, khi một số hội nhóm đầu cơ, nhà đầu tư sử dụng chiêu thức đẩy giá lên cao chót vót tại các phiên đấu giá, sau đó bỏ cọc, nhằm thiết lập mặt bằng giá mới cho các mảnh đất trong khu vực mà họ mua gom trước đó, thu siêu lợi nhuận.
Một nguyên nhân nữa khiến giá bất động sản tăng đó là tâm lý mua nhà đất chờ tăng giá. Không ít người đứng ngồi không yên trước thông tin giá nhà đất tăng phi mã, thậm chí đi vay để mua bằng được mảnh đất.
"Tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá dẫn tới nhiều hệ luỵ, người dân có nhu cầu thực không mua được nhà ở, trong khi không ít người có tiền đang găm vào đất để tìm kiếm lợi nhuận", bà Thủy nói.
Từ tháng 8, dư luận không ngừng xôn xao về những phiên đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội như: Thanh Oai, Hoài Đức, với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, thời gian đấu giá dài và mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm. Diễn biến và kết quả này vẫn tiếp tục tiếp diễn tại các phiên đấu giá đất gần đây tại quận Hà Đông, huyện Thường Tín.
Theo đó, ngày 19/10, quận Hà Đông đã đấu giá thành công 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội. Sau 14 vòng đấu, đã xác định được khách hàng trúng giá cao nhất lên đến 262 triệu đồng/m2, cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất cũng chênh 5,8 lần, đạt 133 triệu đồng/m2.
Đến ngày 22/10, tại Thường Tín, sau 16 giờ đấu giá khốc liệt, 19/40 thửa đất ở thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, cũng được đấu giá thành công với mức giá trúng cao nhất ở mức 52,864 triệu đồng/m2; giá thấp nhất 24,384 triệu đồng/m2, cao gấp 6,31 đến hơn 14 lần giá khởi điểm (3,864 triệu đồng/m2).
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến mức giá đấu trúng tăng cao là do các hành vi trả giá cao hơn rồi bỏ tiền đặt cọc, không nộp tiền trúng đấu giá, thậm chí sẵn sàng bất chấp rủi ro, hoàn thành nghĩa vụ trong cuộc đấu giá để hợp thức hóa mức giá trúng với mục đích "thổi giá", tạo mặt bằng giá “ảo" để làm căn cứ để đẩy mức giá của các lô đất có liên quan nhằm trục lợi.
Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra nhưng hành động này chủ yếu nhằm đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp của quá trình đấu giá, khó có thể can thiệp vào mức giá thị trường. Bởi trong nền kinh tế thị trường, các bên tham gia giao dịch mua bán theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Họ hoàn toàn có thể bỏ cọc mà không cần chứng minh. Và việc họ đẩy giá khi bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi.
Ngoài ra, việc quy các hành vi này là "đầu cơ", "thổi giá" hiện nay cũng đều xuất phát từ cảm tính, bởi Việt Nam chưa có văn bản luật nào xác định hành vi này để làm căn cứ xử lý.
Bình luận