• Zalo

Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng tiền tệ do corona?

Tài chínhThứ Hai, 10/02/2020 06:39:50 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ thận trọng cùng mở rộng tài khóa nhằm giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế do dịch virus corona bùng phát.

Nhận định được Công ty cổ phần Chứng khoán VnDiect đưa ra trong báo cáo “Cập nhật kinh tế vĩ mô - lạm phát tháng 1/2020”.

Theo VnDiect, dịch virus corona có thể gây ra tác động kinh tế tiêu cực cho Việt Nam. Do đó, VnDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ thận trọng cùng với mở rộng tài khóa nhằm giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng tiền tệ do corona?  - 1

Virus corona có thể gây tác động kinh tế tiêu cực cho Việt Nam. (Ảnh: 24h.com.vn)

Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và tiêu thụ các mặt hàng dầu lớn thứ hai thế giới. VnDiect cho rằng sự lây lan của dịch virus corona (nCoV) sẽ khiến giá dầu giảm trong thời gian tới. Doanh nghiệp chứng khoán này kỳ vọng lạm phát giá giao thông sẽ đảo chiều, dẫn đến mức tăng thấp hơn của lạm phát chung trong tháng 2/2020.

VnDiect cũng cho rằng lạm phát giá thực phẩm sẽ hạ nhiệt từ quý II/2020, khi mà giá thịt lợn kỳ vọng đã đạt đỉnh và giảm dần. Theo đó, giá lợn hơi giảm khoảng 6-10% đầu tháng 2 so với mức đỉnh là 90.000 đồng/kg vào giữa tháng 1. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dịch tả lợn Châu Phi được kỳ vọng sẽ chấm dứt trong nửa đầu năm nay. 

Dựa trên diễn biến gần đây của giá dầu và giá thịt lợn, VnDirect kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong các tháng tới. “VnDirect duy trì dự báo lạm phát bình quân ở mức 3,2% trong năm nay trên cơ sở kỳ vọng giảm giá mặt hàng thực phẩm và giao thông trong thời gian tới và việc điều chỉnh phù hợp của Chính phủ đối với nhóm hàng có kiểm soát”, VnDirect cho biết.

Lạm phát đạt đỉnh 7 năm trong tháng Tết

Chỉ số lạm phát chung của Việt Nam tăng 6,43% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,23% so với cùng kỳ trong tháng 12/2019. Mức tăng cao của chỉ số giá tiêu dùng chủ yếu do sự gia tăng của giá thực phẩm và giao thông, gắn với nhu cầu về ăn uống và đi lại gia tăng trong dịp lễ Tết.

Chỉ số lạm phát lõi, sau khi loại trừ giá hàng hóa được kiểm soát và biến động của nhóm thực phẩm và giao thông, tăng 0,76% so với tháng trước và tăng 3,25% so với cùng kỳ (lần lượt cao hơn mức tăng 0,68% và 2,78% trong tháng 12/2019).

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn