Kết quả đấu thầu trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nhà điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam đã kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023 với xu hướng rút tiền mạnh mẽ.
Cụ thể, tiếp nối hai tuần cuối cùng của năm 2022, trong tuần giao dịch đầu năm mới, NHNN vẫn duy trì song song giao dịch mua kỳ hạn giấy tờ có giá để bơm tiền hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng thương mại có nhu cầu. Ở chiều ngược lại, nhà điều hành cũng đẩy mạnh hoạt động phát hành tín phiếu để rút tiền về.
Đẩy mạnh rút tiền đầu năm
Kết tuần, NHNN đã thực hiện tổng cộng gần 22.000 tỷ đồng giao dịch mua với kỳ hạn 7 ngày, qua đó bơm ra lượng tiền Đồng tương ứng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đã có gần 77.350 tỷ đồng được cơ quan quản lý tiền tệ rút về thông qua việc phát hành tín phiếu với kỳ hạn tương ứng. Như vậy, trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023, NHNN đã rút ròng hơn 55.350 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh đấu thầu thị trường mở.
Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên kể từ năm 2018 nhà điều hành chính sách tiền tệ trong nước mới thực hiện rút ròng khối lượng tiền Đồng dịp đầu năm.
Lần gần nhất NHNN thực hiện các giao dịch tương tự là năm 2018 (trong tuần giao dịch đầu tiên 2-5/1) với việc rút ròng gần 30.000 tỷ đồng khỏi thị trường. Trong khi đó, hầu hết năm còn lại đều ghi nhận xu hướng bơm tiền của nhà điều hành.
Với kết quả giao dịch tuần gần nhất, NHNN đã có tuần rút tiền thứ 3 liên tiếp. Trong hai tuần trước đó, cũng đã có gần 150.000 tỷ đồng được rút về thông qua các giao dịch mua - bán tín phiếu trên thị trường mở.
Theo các chuyên gia phân tích, việc NHNN đẩy mạnh rút tiền trong những tuần gần đây nhằm mục đích nâng mặt bằng lãi suất VNĐ trên kênh liên ngân hàng, từ đó tạo chênh lệch an toàn với lãi suất vay USD và giảm áp lực lên tỷ giá.
Thực tế, sau gần hai tháng bơm tiền liên tiếp (từ tháng 11/2022), trong hai tuần cuối của năm 2022, lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã liên tục lao dốc, từ vùng trên 5%/năm hồi giữa tháng 12/2022 xuống dưới 3%/năm trong phiên 29/12/2022. Diễn biến này khiến chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD trên kênh liên ngân hàng một lần nữa rơi xuống mức âm (lãi suất USD qua đêm đạt trên 4%/năm), từ đó tạo áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ bên ngoài thị trường.
Lãi suất qua đêm bật tăng
Sau ba tuần rút tiền liên tiếp, hiện lãi suất VNĐ kỳ hạn qua đêm đã bật tăng trở lại trên mức 5%/năm, tạo khoảng cách an toàn với lãi suất USD.
Theo số liệu của NHNN, lãi suất VNĐ thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên 6/1 cuối tuần này đã ở mức 5,09%/năm, tăng 2,28 điểm % so với phiên 29/12/2022. Tương tự, các mức lãi suất kỳ hạn 1 tuần; 2 tuần và 1 tháng cũng ghi nhận xu hướng tăng, đạt lần lượt 6,06%/năm (+0,98%); 5,69%/năm (+0,41%) và 8,22%/năm (+0,05%).
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có kế hoạch ngừng tăng lãi suất, mục tiêu điều hành trong năm nay của NHNN sẽ không có nhiều khác biệt so với năm trước, đó là tập trung kiểm soát tỷ giá. Nhà điều hành cũng sẽ căn cứ vào trạng thái thực tế của thị trường để có những giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất đang ở mức tiệm cận cao (tương đương giai đoạn 2011-2012) và tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự báo gặp nhiều khó khăn do các yếu tố bên ngoài, SSI dự báo chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng nới lỏng hơn và kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Có góc nhìn tương tự, các chuyên gia phân tích tại HSBC cũng dự báo xu hướng thắt chặt các chính sách tiền tệ của NHNN sẽ chậm lại trong năm 2023, khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và biến động thị trường ngoại tệ được xoa dịu. Tuy nhiên, khi Fed chưa ngừng tăng lãi suất, chu kỳ tăng lãi suất trong nước sẽ còn tiếp tục.
HSBC dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5 điểm % trong quý I và II, đồng thời nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7%/năm vào giữa năm nay.
Bình luận