• Zalo

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất: Doanh nghiệp còn cần thêm gì?

Tài chínhThứ Ba, 17/03/2020 16:27:42 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngân hàng Nhà nước bắt đầu giảm lãi suất điều hành từ hôm nay 17/3, tuy vậy theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều yếu tố hỗ trợ khác.

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất: Doanh nghiệp còn cần thêm gì?  - 1

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ra thông báo giảm một loạt lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, có hiệu lực từ ngày 17/3.

Đây là động thái được giới chuyên gia dự đoán từ trước, bởi việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động diễn ra trong bối cảnh làn sóng nới lỏng toàn cầu đang được kích hoạt. Mới đây, FED cũng vừa tung gói hỗ trợ bao gồm giảm xuống biên độ từ 0% tới 0,25%. Lần gần nhất FED giảm lãi suất xuống mức này là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ngoài ra, FED cũng cam kết mua vào 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ (TTCP). Theo nhiều chuyên gia, đây được xem là gói hỗ trợ nền kinh tế chưa từng có của Mỹ và sẽ có tác động nhất định đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.

Trả lời VTC News, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định: “Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang chao đảo vì dịch Covid-19 gây ra, FED đã có phản ứng rất linh hoạt, thậm chí phải nói là cấp tập. Việc giảm lãi suất sẽ làm giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, nhất là đối với hoạt động đầu tư, tiêu dùng. Bằng cách đó, một khối lượng tiền lớn có thể được đưa ra để thúc đẩy đầu tư và giải quyết cho những doanh nghiệp gặp khó khăn".

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng phân tích: “Việc FED tung gói hỗ trợ sẽ tác động đến nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam vì Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước có động thái tương tự như nhiều nước khác chỉ là sớm hay muộn thôi”.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Đức Kiên, tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: “Các nước liên tiếp hạ lãi suất cơ bản trong thời gian qua tạo áp lực lớn trong việc giảm lãi suất điều hành của Việt Nam. Chúng ta cũng đã có gói hỗ trợ tín dụng hỗ trợ lãi suất 285.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngoài ra còn có gói cho chính sách công, gói 30.000 tỷ đồng cho gia hạn tiền thuế, phí, tiền thuê đất; gần nhất là đề xuất tạm dừng cho doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội....Vì vậy, chúng ta phải bình tĩnh, tin tưởng vào các chính sách của Nhà nước, chờ đón các tín hiệu từ nền kinh tế".

Ngoài việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành thì động thái của FED được cho là cũng sẽ kích thích Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới để có độ tương đồng với đồng tiền USD, ít nhất là không để tỷ giá giảm quá. “Việc giảm tỷ giá đồng USD cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần phải nghiên cứu thị trường trong nước và thế giới, tương quan so sánh với đồng Euro và đồng bảng Anh để có sự điều chỉnh phù hợp”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều yếu tố hỗ trợ khác. Khi mà việc giảm lãi suất thường có độ trễ do đặc thù và cần tính toán chi tiết, hợp lý thì việc mà người dân và doanh nghiệp cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì. "Vì vậy, các chính sách tài khóa là cần thiết và phải thực hiện ngay lập tức như hoãn các nghĩa vụ trả nợ, miễn giảm phí,thuế, cho vay mới với lãi suất thấp, tăng chi tiêu đầu tư công…", ông Lực nhấn mạnh. 

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn