• Zalo

Ngăn cây phượng gãy đổ bằng trụ kim loại: Dân mạng tranh cãi gay gắt

Ý kiếnThứ Tư, 03/06/2020 16:28:15 +07:00Google News
(VTC News) -

Giải pháp dùng trụ đỡ kim loại để ngăn cây phượng gãy đổ đè người đang được lan truyền và tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Để ngăn ngừa tai nạn cây phượng đổ đè chết học sinh như mới xảy ra ở TP.HCM, nhiều trường học quyết định đốn hạ toàn bộ cây phượng trong khuôn viên và điều này tạo nên những cuộc tranh luận rầm rộ trên mạng. Bên cạnh việc phản đối "thảm sát" loài hoa học trò này, cư dân mạng cũng thảo luận sôi nổi về các giải pháp chống đổ cho cây phượng, trong đó có cách dùng giá đỡ kim loại.

Hình ảnh những cây phượng được "gia cố" bằng giá đỡ đang lan truyền mạnh trên Facebook. Theo đó, vành đai kim loại ôm lấy thân cây (ngay dưới chỗ phân nhánh) được nối với 4 chân trụ nhằm ngăn cây đổ trong trường hợp bị bật gốc. Nhiều cư dân mạng cho rằng, đây là cách đơn giản để cây phượng trở nên an toàn mà không cần phải chặt bỏ, học sinh vẫn được hưởng bóng mát, ngắm cây hoa đẹp.

Mến Hồ viết: "Chỉ cần như thế đã là an toàn rồi. Lỗi do con người chứ có phải tại cây phượng đâu mà chặt hết?".

Hoàng Thìn đồng tình: "Đúng là cái khó ló cái khôn, phương pháp chống cây kiểu này có vẻ hợp lý đấy! Thay lời muốn nói của cây xanh cảm ơn tác giả của sáng kiến chằng chống cây nha!".

Alice Vo hoan nghênh: "Hay quá, nên nhân rộng và nghĩ thêm nhiều cách an toàn tính mạng cho hoc sinh. Thật sự là một nỗi ám ảnh kinh hoàng khi đến gần cây to". 

Ngăn cây phượng gãy đổ bằng trụ kim loại: Dân mạng tranh cãi gay gắt - 1

Hình ảnh được cho là giải pháp chống đổ cây phượng và các cây cổ thụ.

Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng, đây chưa phải là giải pháp an toàn nhất. Họ tranh luận khá gay gắt về giải pháp chống đổ cây phượng và các cây lớn khác có nguy cơ bật gốc, gây thương vong.

Bin Hoàng chia sẻ: "Cái này vẫn chưa an toàn, chỉ áp dụng cho những cây tán nhỏ và lúc trời không giông gió. Thử hỏi tán cây to gấp chục lần cái khung đỡ và gặp giông gió to thì liệu cái khung đỡ ấy giữ làm sao được? Chắc chắn nó cũng không cắm sâu xuống đất được bao nhiêu. Đừng làm nơi an toàn nhất lại là nơi nguy hiểm nhất!".

Tâm Phạm đồng tình: "Như vậy chưa an toàn khi mưa to gió lớn. Nên tạo thêm cho nó có bộ rễ phụ bằng cột bê tông cắm xuống sâu đưới lòng đất 1-1,5 m thì chắc hơn. Nên làm bằng sắt, thiếc để tránh sét khi trời mưa".  

Nhàn Nguyễn viết: "Đã gọi là cây cổ thụ thì phải trồng từ khi cây còn bé. Rễ cọc ăn sâu xuống mặt đất và các rễ khác bám lan ra xung quanh cây mới chắc. Bây giờ thời đại mới, cây trồng từ chỗ khác cao lớn rồi mới đánh đem về xếp vào bồn cây. Cây chỉ sống chứ không thể nào có rễ cọc bám sâu lòng đất. Như vậy cây không chắc. Thế nên nếu có làm như hình trên, tán cây lớn mà gốc yếu, gặp gió to vẫn đổ".

Xuan Mai Dang góp ý: "Cách này chưa phải hay nhất, về lâu dài bên nào quản lý cây có trách nhiệm giám sát thường xuyên và thăm khám liên tục. Tùy vào tuổi thọ và đặc tính của từng loại cây để tìm ra biện pháp bảo vệ, nuôi trồng và thay thế thích hợp, không phải cứ chạy theo các biện pháp tạm thời".

Phuonng MInh nêu quan điểm: "Ý tưởng hay nhưng đây chưa là giải pháp khả thi cho lắm vì trụ đỡ làm bằng sắt và chôn trực tiếp xuông dưới đất, về lâu về dài trụ sắt sẽ bị mục thì càng nguy hiểm hơn. Nên làm trụ bê tông và gắn cây trụ sắt lên trên bề mặt (giống cây trụ đèn đường). Đồng thời xây bệ chung quanh làm chỗ ngồi cho học sinh vừa an toàn và đẹp hơn".

Thang Trinh viết: "Sáng kiến này  để áp dụng cho cây bị thương, bị yếu. Phải thẩm định từng cây cụ thể trước khi áp dụng một hình thức nào đó".

Tung Le Van ý kiến: "Thường xuyên cắt tỉa tán như cây cảnh ấy mới là biện pháp an toàn, để tán quá to xung quanh, toàn là bê tông làm gì còn đất để cây bám rễ? Gió nhẹ cái là đổ chứ đừng nói đến giông bão!".

An Dang bình luận: "Không ổn cho lắm, phải hiểu vừa chống vừa neo, chứ không phải chỉ chống, chưa kể tính tới sức bền vật liệu khung chống. Cả một bài tính toán!".

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn