Hôm 3/5, đề cập đến khả năng quân đội Mỹ sử dụng lãnh thổ Phần Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Chúng tôi đang theo sát các kế hoạch của NATO liên quan đến Phần Lan. Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả cả về quân sự - kỹ thuật và các bản chất khác để hạn chế các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga".
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Moskva coi những kế hoạch như vậy là hành vi đánh mất chủ quyền của Helsinki.
"Cả Phần Lan và NATO phải nhận ra rằng việc tăng quân cho Bắc Âu sẽ chỉ góp phần làm gia tăng căng thẳng quân sự và chính trị ở khu vực này", bà Zakharova nhấn mạnh.
Mới đây, ông Mikael Antell - Phó Vụ trưởng các vấn đề chính trị của Bộ Ngoại giao Phần Lan, cho biết nước này sẵn sàng thương thảo với Mỹ về thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA) cho phép quân Mỹ triển khai trên lãnh thổ quốc gia thành viên mới của NATO. Đàm phán chính thức giữa Mỹ và Phần Lan dự kiến sẽ kéo dài sang năm 2024.
Theo ông Mikael Antell, thỏa thuận này nhằm củng cố năng lực quốc phòng và răn đe của Phần Lan thông qua sự hiện diện của quân Mỹ và vũ khí khí tài hiện đại của Mỹ. DCA sẽ cho phép quân Mỹ nhập cảnh Phần Lan và đồn trú tại đó.
Hôm 4/4, Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới và giúp biên giới giữa NATO với Nga tăng gấp đôi. Theo giới quan sát, khi Phần Lan gia nhập liên minh, NATO có thêm một thành viên đã dành nhiều thập kỷ phát triển "an ninh toàn diện".
Sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine, Helsinki nộp đơn gia nhập NATO. Phần Lan đã phá vỡ chính sách không chuyển vũ khí tới các vùng xung đột, khi quyết định gửi tên lửa chống tăng, súng trường tấn công và thực phẩm cho Ukraine.
Năm nay, Phần Lan dự kiến tăng ngân sách quốc phòng thêm 20%, tương đương 2,25% GDP. Phần Lan cũng đã hoàn thành thương vụ mua 64 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ trị giá 9,4 tỷ USD.
Bình luận