Các nước NATO có kế hoạch cung cấp hàng chục máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16 Fighting Falcon cho Ukraine bắt đầu vào năm tới, song song với đó là kế hoạch đào tạo phi công được tiến hành ở Mỹ và Đan Mạch cũng đã bắt đầu trong những tuần gần đây.
Theo thông tin từ hãng thông tấn Sputnik, quân đội Nga đang tối ưu hóa các hệ thống tác chiến điện tử của mình để đối phó với những chiếc máy bay F-16, mà các nước phương Tây dự kiến sẽ chuyển giao cho Ukraine vào đầu năm 2024.
Nguồn tin cho biết: “Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga được sử dụng trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt sẽ được cài đặt tối ưu hóa, để ngăn chặn radar và thiết bị trên máy bay chiến đấu F-16 mà các nước phương Tây dự định cung cấp cho Kiev”.
Nguồn tin cho biết thêm, “dựa trên những gì mà chúng tôi biết được về hệ thống điện tử hàng không trên máy bay chiến đấu F-16, thì việc ngăn chặn chúng sẽ dễ dàng hơn so với các máy bay do Liên Xô thiết kế đang có trong kho của Ukraine”.
Tháng trước, Sputnik cũng thông tin rằng các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã thành công trong việc buộc các tiêm kích Ukraine phải từ bỏ nhiệm vụ chiến đấu và quay trở lại căn cứ do bị gây nhiễu từ hệ thống tác chiến điện tử di động trên mặt đất Krasukha.
Ba quốc gia đồng ý gửi tiêm tích F-16 đến Ukraine gồm Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy. Dự kiến lực lượng không quân Ukraine sẽ nhận được tổng cộng 71 chiếc tiêm kích này và thời gian sớm nhất là vào năm 2024. Việc đào tạo phi công Ukraine cũng đã bắt đầu một cách nghiêm túc ở cả Đan Mạch và Mỹ vào tháng 8-9/2023.
Tuy nhiên, Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ tại Châu Âu, Tướng James B. Heckler đã cảnh báo rằng, việc huấn luyện cho phi công Ukraine có trình độ lái máy bay thành thạo có thể mất ít nhất từ “bốn hoặc năm năm”, điều đó có nghĩa là khi Ukraine nhận F-16, tiêm kích này có thể giúp ích cho Kiev, nhưng đây không phải là "viên đạn bạc" có thể thay đổi cuộc chơi.
Từ đầu cuộc xung đột đến nay, lực lượng không quân Ukraine đã tổn thất nặng nề. Theo đánh giá của quân đội Nga, hơn 470 máy bay cánh cố định và gần 250 máy bay trực thăng từ thời Liên Xô và của các quốc gia Đông Âu trong khối NATO chuyển giao cho Kiev bị bắn hạ.
Quy mô của cuộc xung đột ủy nhiệm với NATO ở Ukraine ngày càng tăng, hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của Nga đã nhanh chóng thích ứng với các hệ thống vũ khí mới nhất và hiện đại nhất của phương Tây viện trợ cho Ukraine, như máy bay không người lái và tên lửa hành trình tầm xa.
Từ lâu Nga được xem là cường quốc hàng đầu về tác chiến điện tử. Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yuri Inhat cho rằng, lý do Ukraine phản công chậm là Nga có lợi thế đáng kể trong tác chiến điện tử.
Vũ khí tác chiến điện tử thường được gọi là "sát thủ vô hình" vì đây là các khí tài quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ.
Nó có thể vô hiệu mọi thiết bị sử dụng điện và có thể được thực hiện từ mặt đất, trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mà không cần sử dụng tới thuốc nổ, hay các đòn đánh trực diện.
Nga được cho là đang triển khai các tổ hợp tác chiến điện tử trên chiến trường Ukraine như Krasukha-2, Krasukha-4, RB-341V LEER-3, R-330Zh Zhitel, Murmansk-BN và Moskva-1. Những tổ hợp tác chiến điện tử này có thể gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh radar, vô tuyến liên lạc ở các tần số khác nhau.
Các quan chức và phương tiện truyền thông phương Tây cho biết, những máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine sẽ nhận được là loại máy bay chiến đấu có tuổi đời hơn 40 năm. Với công nghệ phòng không được thiết kế đặc biệt cùng với các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, Nga đủ sức đối phó với những tiêm kích F-16 ra đời từ những năm 1980 mà phương Tây chuẩn bị chuyển giao Ukraine.
Bình luận