Bên cạnh việc tận dụng các loại máy bay không người lái dân sự vào mục đích quân sự, Ukraine cũng đang đẩy mạnh sản xuất các loại máy bay không người lái chiến đấu, đây được xem là một phần trong nỗ lực khôi phục lại ngành công nghiệp quốc phòng của chính quyền Kiev. Hiện tại, các hệ thống máy bay không người lái giá rẻ sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trước tình hình trên, các công ty vũ khí của Nga đã phát triển một tháp pháo tự động và hệ thống ngắm mục tiêu có thể lập trình đạn bắn ra, để kích nổ đạn ở độ cao thích hợp, tạo thành “đám mây mảnh đạn”, nhằm mục đích chống lại các loại UAV. Tháp pháo tự động này cũng có thể sử dụng làm vũ khí tấn công, hỗ trợ bộ binh trong chiến đấu.
Hiện vẫn chưa rõ việc Nga phát triển hệ thống phòng không này là do nhu cầu sử dụng trong nước hay được đặt theo yêu cầu của khách hàng và cũng chưa rõ vũ khí này đã được thử nghiệm trên chiến trường Ukraine hay chưa.
ZSU-23M2 phiên bản cải tiến
Một đoạn video về tháp pháo trên xe chiến đấu bọc thép Typhoon-VDV đang quay và trình diễn cho thấy hệ thống ngắm mục tiêu quang điện, máy đo tầm xa và một khẩu pháo phòng không ZSU-23M2 được sản xuất từ thời Liên Xô.
ZSU-23M2 là pháo phòng không hai nòng cỡ nhỏ do Liên Xô sản xuất, nó rất phổ biến và là vũ khí chính trong các hệ thống phòng thủ điểm tầm ngắn của quân đội một số nước trên thế giới. Hiện nay, loại pháo này đang được hiện đại hóa bằng hệ thống điều khiển tự động để thay thế cho vai trò của hai xạ thủ.
Phó Tổng Giám đốc Nhà máy Cơ điện Kizlyar Magomed Akhmatov thông tin với hãng thông tấn TASS rằng, “Nga đã phát triển hệ thống điều khiển tự động cho pháo ZSU-23M2, nó có thể lập trình đạn nổ tại điểm tối ưu để tiêu diệt các mục tiêu trên không”.
Tổ hợp này có thể tấn công các mục tiêu phía sau chướng ngại vật và tiêu diệt máy bay không người lái rất hiệu quả. Ông cho biết thêm: “Hệ thống tính toán điểm phát nổ sẽ tạo ra vụ nổ với đám mây mảnh vỡ lớn nhất, để có thể tiêu diệt hiệu quả mục tiêu”.
Kỹ thuật này liên quan đến việc điều khiển hoặc điều chỉnh ngòi nổ để đạn phát nổ tại một điểm ở chế độ nổ trên không, khi viên đạn nổ có thể tạo ra đám mây mảnh đạn để bắn trúng các máy bay không người lái.
Chế độ nổ trước khi va chạm có nghĩa là sau khi bay đến độ cao nhất định, đạn sẽ tự nổ và giải phóng các mảnh đạn, những viên bi bên trong đầu đạn văng ra theo mọi hướng và có thể dễ dàng phá huỷ thân của máy bay mà không cần va chạm trực tiếp với các mục tiêu.
Akhmatov cho biết, “tổ hợp này bao gồm một bộ phận quang - điện tử, hệ thống theo dõi mục tiêu tự động, hệ thống máy tính kỹ thuật số và bộ truyền động cho pháo”. Hệ thống này “cũng có thể được điều khiển từ xa bằng tín hiệu vô tuyến hoặc cáp” và hoạt động như một hệ thống phòng thủ tự động, bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên mặt đất dễ bị máy bay không người lái tấn công.
“Hệ thống có khả năng lập trình cho viên đạn phát nổ gần mục tiêu dựa trên thông tin mục tiêu được truyền từ thiết bị quang - điện tử hoặc từ sự kết hợp giữa trạm radar và máy bay không người lái trinh sát, cho phép nó tấn công các mục tiêu phía sau chướng ngại vật một cách hiệu quả, chẳng hạn như binh lính đối phương đang ẩn nấp trong công sự”.
Akhmatov nhấn mạnh: “Pháo phòng không ZSU-23M2 hiện đại hóa của Nga hiện đang được thử nghiệm dưới dạng nguyên mẫu và sẽ hoàn thành trước cuối năm nay”. Hệ thống này cũng có thể được trang bị cho các loại súng bắn đạn cỡ 30 mm, 40 mm và 57 mm.
Pháo phòng không ZSU-23M2 được sử dụng thế nào?
Hiện nay, tuyến phòng thủ của Nga chạy từ đông bắc qua phía đông và tới phía nam của Ukraine, là mục tiêu cố định thường xuyên bị máy bay không người lái của Ukraine tấn công. Trong khi đó, mức độ tấn công của máy bay không người lái được đánh giá chỉ đứng sau các loại hoả tiễn nhỏ và pháo binh.
Hệ thống pháo phòng không ZSU-23M2 được gắn trên xe chiến đấu bọc thép K-4386 Typhoon-VDV hoặc ở phiên bản điều khiển từ xa, có thể giúp bảo vệ các kho đạn dược và các tuyến đường tiếp tế thường xuyên bị Ukraine tấn công bằng các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động (HIMARS).
Việc Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa chiến thuật có tầm bắn xa (ATACMS) cho Ukraine đang đe doạ sự an toàn các cơ sở tiếp tế hậu cần của Nga. Vì vậy, hệ thống phòng không ZSU-23M2 sẽ là lớp đánh chặn bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên lãnh thổ nước Nga.
Hơn nữa, với các cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow của Ukraine vào Hạm đội biển Đen và cơ sở hạ tầng trên bộ như trụ sở của Hạm đội biển Đen ở Crimea, thì hệ thống phòng không tự động như ZSU-23-2M2 có thể được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng đánh chặn các tên lửa tấn công.
Đạn nổ cỡ nòng 23mm được bắn từ ZSU-23-2, với hàng trăm viên đạn được trang bị ngòi nổ trên không, có thể tạo ra một bức tường mảnh đạn khổng lồ, đủ để bắn trúng phá huỷ phần mũi trước và động cơ của tên lửa hành trình đang lao tới, vô hiệu hóa chúng giữa không trung.
Việc sử dụng hệ thống phòng không tự động ZSU-23-2M2 đang đặt ra câu hỏi, liệu Nga có tiến hành sản xuất loại đạn mới để có thể lập trình thời điểm phát nổ hay không? Vì nền tảng này không thể lập trình trên các loại đạn thông thường. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, Nga đang nắm giữ một lượng lớn vũ khí có thể tích hợp khả năng lập trình trong kho của mình.
Bình luận