Theo Military Watch, ngày càng có nhiều báo cáo cho thấy các đơn vị chiến đấu của Lực lượng Không quân Ukraine phải chịu tổn thất nặng nề. Sự suy yếu của hệ thống phòng không đã khiến các đơn vị không quân có người lái còn lại của Ukraine vào tình trạng nguy hiểm hơn. Trong khi đó, Nga cũng tăng cường sử dụng các phương tiện cảnh báo và kiểm soát sớm trên không (AEW&C) để nâng cao khả năng vô hiệu hóa máy bay chiến đấu của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu đầu tư hiện đại hóa phi đội AEW&C của mình vào những năm 2010 và đến đầu năm 2023, ước tính đã đưa vào biên chế 7 chiếc A-50U cùng với 3 chiếc A-50 cơ bản.
Sự tụt hậu của Nga
Máy bay A-50 là một thiết kế từ thời Liên Xô, được đưa vào biên chế từ năm 1985, nhưng hệ thống điện tử của chiếc máy bay này đã lỗi thời rất nhiều so với thế kỷ 21. Nga đã tiến hành những nâng cấp trên chiếc máy bay này, ưu điểm của phiên bản nâng cao bao gồm độ bền cao hơn 15-20%, cho phép mỗi máy bay hoạt động trên không trong hơn 9 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu, cũng như tích hợp radar Shmel II để thay thế radar cũ kỹ của Liên Xô.
Radar Shmel có khả năng nhận biết tình huống tốt hơn, bao gồm khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa ở phạm vi trên 1.000 km và theo dõi máy bay chiến đấu ở phạm vi xa hơn tới 33%. Do đó, A-50U có thể theo dõi tới 300 vật thể và cung cấp mục tiêu cho tối đa 40 máy bay chiến đấu đi cùng, trong khi radar Shmel ban đầu chỉ có thể theo dõi 200 và chỉ cung cấp dữ liệu cho 20 máy bay.
Các nền tảng AEW&C có thể mang radar lớn hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu, điều này cho phép chúng cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu có giá trị và các thông tin khác, có thể đảm bảo lợi thế quan trọng trong việc nhận biết tình huống.
Tuy nhiên, các đơn vị máy bay chiến đấu của Nga sử dụng hệ thống AEW&C bị đánh giá là hạn chế hơn nhiều so với các hệ thống của Mỹ và Trung Quốc, trong đó KJ-500 của Trung Quốc hiện được coi là dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này.
Mỹ cũng chuẩn bị thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc bằng việc giới thiệu nền tảng E-7 Wedgetail. Các thương vụ mua E-7 đã nhận được nguồn tài trợ khẩn cấp vào năm 2022 nhằm giải quyết các vấn đề ngày càng gia tăng với những chiếc máy bay E-3 ngày càng lỗi thời, được cho là không còn khả năng đối phó một cách hiệu quả trước phi đội máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc.
Do đó, hạm đội AEW&C của Nga không chỉ có quy mô bằng một phần nhỏ so với các đối thủ Mỹ và Trung Quốc, mà còn thua xa Trung Quốc về mặt công nghệ và có nguy cơ tụt hậu so với Mỹ.
Nền tảng A-100 AEW&C mới của Nga - một biến thể cải tiến của A-50, được cho là sẽ có hiệu suất cao hơn khoảng 30% so với A-50U, nhưng vẫn không thể so sánh với E-7 của Mỹ. Điều này đang phản ánh những hạn chế mà ngành công nghiệp điện tử Nga phải đối mặt dưới thời hậu Xô Viết.
Kinh nghiệm thu được từ thực tế
Tuy nhiên, Nga cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm vận hành máy bay cảnh báo sớm trong vùng chiến sự, thông qua việc triển khai các máy bay A-50U trong hoạt động chống nổi dậy ở Syria từ tháng 12/2015.
Các hoạt động của Không quân Nga tại quốc gia này còn bao gồm đánh chặn các máy bay chiến đấu của phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel thường xuyên vi phạm không phận Syria, mặc dù phạm vi hoạt động của A-50 vẫn chưa được biết.
Gần đây hơn, Không quân Nga đã tăng cường sử dụng A-50 để hỗ trợ các hoạt động chống lại máy bay Ukraine, hỗ trợ không chỉ cho các đơn vị máy bay chiến đấu mà còn cho các khí tài phòng không trên mặt đất.
Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất là việc sử dụng hệ thống cảnh báo sớm vào đầu tháng 11/2023 để dẫn đường cho tên lửa đất đối không 40N6 từ hệ thống phòng không S-400 tấn công một mục tiêu cách xa 400 km ở độ cao thấp - điều mà tên lửa đất đối không khó có thể thực hiện được do giới hạn về phạm vi phát hiện mục tiêu cũng như do bề mặt cong của trái đất.
Tên lửa 40N6 có thể sử dụng dữ liệu nhắm mục tiêu từ tất cả các loại radar trên không, trong khi radar của A-50U có khả năng phân biệt các mục tiêu bay thấp và có khả năng nhận biết tình huống vượt trội nên chúng đã có thể phối hợp với nhau để thực hiện vụ tấn công trên.
Việc sử dụng máy bay cảnh báo sớm hoạt động trên chiến trường Ukraine mang lại cho lực lượng Nga nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Điều này sẽ rất có ích nếu kết hợp hệ thống cảnh báo sớm với các tên lửa tầm xa hơn như hệ thống S-500, giúp tấn công các mục tiêu cách xa lên tới 600 km và hỗ trợ phòng không tốt hơn.
Nhu cầu về các nền tảng AEW&C của Không quân Nga giảm đi đáng kể do thực tế là phi đội máy bay chiến đấu/đánh chặn của họ trang bị radar cỡ lớn, thường lớn hơn gấp đôi so với radar của các lọa chiến đấu cơ của phương Tây.
Ví dụ, máy bay đánh chặn MiG-31 Foxhound mang theo radar có kích thước gấp khoảng 10 lần so với radar của máy bay chiến đấu F-16. MiG-31 được thiết kế đặc biệt để có thể hoạt động như một nền tảng AEEW&C “mini”, nhờ độ bền, tốc độ rất cao và kích thước radar lớn của máy bay.
Tuy nhiên, máy bay AEW&C dự kiến sẽ được quân đội Nga đầu tư nhiều hơn trong tương lai, được xem như một phương tiện bổ sung cho hệ thống phòng không trên mặt đất và tăng cường nhận thức tình huống trước những mối đe dọa từ máy bay tàng hình F-35 của NATO.
Bình luận