MiG-25 Iraq đã từng làm 'bẽ mặt' F/A-18 Hornet của Mỹ thế nào?

Quân sựThứ Năm, 11/01/2024 14:36:53 +07:00
(VTC News) -

Chiếc F/A-18 bị hạ bởi MiG-25 đã khiến các chuyên gia phương Tây khi đó bất ngờ, chiếc máy bay Mỹ bị tấn công mà không kịp phản ứng khiến phi công thiệt mạng.

Ngày nay, những tiến bộ trong công nghệ phòng không đã khiến các trận không chiến trên không trở nên hiếm hoi. Nhưng vào năm 1991, khi Mỹ bắt đầu Chiến dịch Bão táp Sa mạc đã có nhiều trận không chiến giữa các bên, đáng chú ý có một phi công MiG-25 của Iraq bắn hạ một chiếc F/A-18 Hornet của Mỹ trong một trận không chiến.

Những chiếc F/A-18 Super Hornet gây nhiều chú ý thời gian gần đây, khi chúng bắn hạ máy bay không người lái của phiến quân Houthi tại biển Đỏ. Những chiếc F/A-18 này thuộc nhóm tấn công tàu sân bay Eisenhower và khu trục hạm lớp Arleigh Burke - USS Laboon. Chúng đã bắn hạ hai tên lửa hành trình tấn công mặt đất, ba tên lửa đạn đạo chống hạm và 12 máy bay không người lái.

Trở lại với Chiến dịch Bão táp sa mạc để tìm hiểu về trận không chiến đầu tiên giữa MiG-25 và F/A-18 Hornet. MiG-25 vào thời điểm đó là máy bay phản lực có khả năng chiến đấu mạnh thứ ba của Liên Xô và là máy bay chiến đấu mạnh nhất trong Lực lượng Không quân Iraq.

Trong Chiến tranh Iran-Iraq, máy bay chiến đấu MiG-25 được sử dụng cho các nhiệm vụ không đối không. Trong Chiến tranh vùng Vịnh, chúng được triển khai với vai trò máy bay ném bom tấn công.

Đây là máy bay chiến đấu nhanh nhất trên thế giới vào thời điểm đó, MiG-25 được trang bị bộ cảm biến khổng lồ và hiện đại, máy bay có thể đạt tốc độ bay hơn Mach 3. Trong chiến tranh vùng Vịnh, MiG-25 Foxbats là mối đe dọa lớn nhất đối Không quân Mỹ.

Máy bay F/A-18 Hornet.

Máy bay F/A-18 Hornet.

Phát hiện nhóm tấn công

Vào rạng sáng ngày 17/1/1991, trung úy Zuhair Dawoud của Lực lượng Không quân Iraq đóng quân tại Căn cứ Không quân Qadessiya, nhận được cuộc gọi lúc 02h38 (giờ Baghdad) để yêu cầu xuất kích. Anh ta là một trong bốn phi công MiG-25 đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu tại căn cứ.

Trước đó, vào khoảng 2h30 sáng (giờ Baghdad), ba nhóm tấn công của Hải quân Mỹ gồm hai nhóm có mật danh “SEAD” (lực lượng có nhiệm vụ tấn công vào hệ thống phòng không của đối phương) và nhóm còn lại có mật danh “Alpha” đã xâm phạm không phận Iraq. Mục tiêu của họ là tiêu diệt các căn cứ không quân lớn của Iraq đang vận hành các phi đội MiG-25, MiG-29 và các máy bay ném bom khác do Liên Xô chế tạo.

Đội hình “tấn công Alpha” bao gồm 10 chiếc F/A-18C Hornet cất cánh từ tàu USS Saratoga. Họ vượt qua biên giới Ả Rập Xê-út khi bay ở độ cao từ 8.000 m đến 10.000 m. Nhóm này có nhiệm vụ canh chừng máy bay chiến đấu của Iraq và bảo vệ cho nhóm tấn công SEAD.

Nhóm SEAD gồm tám chiếc máy bay ném bom A-6E Intruder. Theo sau họ là ba chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler và hai cặp tiêm kích F-14A.

Đội hình tấn công của Hải quân Mỹ bị radar của Iraq phát hiện từ trước khi họ vượt qua biên giới. Lúc này, hai chiếc MiG-29 của Không quân Iraq đang bay trên không và đang cố gắng đánh chặn những chiếc B-52 tấn công một khu vực khác.

MiG-25 xuất kích

Lúc này trung úy Dawoud mới nhận được lệnh xuất kích. Dawoud kể lại “Tôi vội vã lên máy bay. Các kỹ thuật viên đã đảm bảo cho máy bay sẵn sàng, vì vậy việc cất cánh diễn ra cực kỳ nhanh, tôi đã bay trên không chỉ ba phút sau khi nhận được cuộc gọi. Sau khi cất cánh, tôi chuyển sang tần số an toàn (bảo mật) và thiết lập liên lạc với GCI (bộ phận đánh chặn do mặt đất kiểm soát) của Bộ phận Phòng không. Bầu trời trong xanh, tầm nhìn rất tốt. GCI bắt đầu chỉ đường cho tôi về một nhóm máy bay đã xâm nhập không phận Iraq ở phía nam căn cứ”.

GCI là phương pháp được sử dụng trong phòng không, trong đó trung tâm liên lạc chỉ huy được kết nối với một hoặc nhiều trạm radar hoặc các trạm quan sát khác, các trạm này có nhiệm vụ dẫn đường và hướng máy bay đánh chặn tới mục tiêu trên không.

Dawoud lái chiếc MiG-25 quay về phía nam, bật bộ phận đốt sau và tăng tốc lên Mach 1,4. Chiếc Foxbat của Iraq đang bay thẳng vào giữa đội hình chiến đấu cơ Mỹ. Chỉ huy phi đội tấn công của Mỹ, Michael Anderson đã phát hiện ra chiếc MiG-25 đang đến gần.

Anderson phát hiện ra chiếc MiG-25 trên radar của mình khi anh còn cách khu vực Qadessiya hơn 120km. Anderson sau đó nhớ lại: “Tôi nhận được tín hiệu radar ngay lập tức về một mục tiêu trên không đang bay ra khỏi sân bay (phía trước chúng tôi)".

Tôi biết ngay đó là máy bay địch vì chúng tôi có một số công nghệ (ID điện tử) trên F/A-18. Tôi có thể nhìn thấy ngọn lửa đốt sau của mục tiêu trên màn hình điện tử và đó là ngọn lửa cực dài màu vàng mà tôi đã từng thấy trước đây trên một chiếc MiG-25. Ngay khi tôi khóa radar vào mục tiêu, chiếc MiG-25 đã rẽ phải và anh ta bắt đầu đi vòng quanh tôi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ”.

Dawoud đã xác thực lời kể ban đầu của Anderson. “Radar của tôi vẫn đang nóng lên và tôi còn cách đội hình mục tiêu 90 km thì bị máy bay địch khóa bằng radar. Vì vậy, tôi đã thực hiện một thao tác chuyển hướng mạnh và ổ khóa bị gãy”, Dawoud nói.

Anderson đang chờ xác nhận từ bộ phận dẫn đường để chắc chắn rằng chiếc máy bay kia thực sự là kẻ thù. Vì chưa thể xác nhận được đó là máy bay địch nên cả chiếc MiG-25 Foxbat và F/A-18 Hornet quay vòng tròn bám theo nhau trên bầu trời.

Khi cả hai đến phía đối diện của vòng tròn, Dawoud tắt bộ phận đốt sau của mình để vòng ra phía sau hạ gục chiếc máy bay Mỹ. Anderson khi đó đã mất dấu chiếc MiG-25 của Dawoud.

Lúc này, ngay cả Dawoud cũng mất liên lạc với mục tiêu và báo cáo điều tương tự với cơ quan điều khiển mặt đất. Sau đó anh được khuyên nên quay về hướng đông và tấn công một mục tiêu khác cách đó khoảng 40 km. MiG-25 quay về hướng đông, nghe theo lời khuyên và khóa mục tiêu ở cự ly 38 km.

Chiến đấu cơ MiG-25.

Chiến đấu cơ MiG-25.

Mục tiêu thay đổi

Mục tiêu là một chiếc F/A18 khác của Mỹ bay theo đội hình do trung tá Scott Speicher lái. Scott đang đến gần điểm phóng và đã tắt chế độ lái tự động của mình. Anh ấy đưa máy bay của mình vào trạng thái bay thấp và sử dụng thiết bị đốt sau để tăng tốc cho lần phóng tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM).

Tôi đã khóa mục tiêu ở khoảng cách 38 km và ở khoảng cách 29 km, tôi bắn một tên lửa R-40RD từ dưới cánh phải của mình. Tôi khóa mục tiêu bằng radar cho đến khi chứng kiến ​​một vụ nổ lớn trước mặt. Tôi tiếp tục theo dõi chiếc máy bay đang lao xuống mặt đất theo hình xoắn ốc và ngọn lửa đang nhấn chìm nó”, Dawoud kể lại.

Khi máy ghi dữ liệu chuyến bay trên chiếc F/A-18 của Scott Speicher được kiểm tra vào năm 1995, nó đã cung cấp thông tin chi tiết về các thông số chuyến bay ngày hôm đó. Trong 17 giây, Speicher tăng tốc lên 1.000 km/h và hạ xuống độ cao 8.000 m.

Từ phía bên trái, dưới buồng lái của chiếc F/A-18 Hornet, quả R-40RD phát nổ. Máy bay ngay lập tức bị nghiêng 50-60 độ về bên phải do vụ nổ từ đầu đạn nổ mảnh nặng 70kg và làm đứt các thùng nhiên liệu phụ bên ngoài và giá treo của chúng, đồng thời khiến Speicher thiệt mạng. Chiếc máy bay của anh ta rơi cách Qadessiya 90km về phía nam. Và sự kiện đó được ghi nhận là trường hợp thương vong đầu tiên mà Hải quân Mỹ phải gánh chịu trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Lê Hưng(Nguồn: EurAsian Times)
Bình luận
vtcnews.vn