Theo phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã áp đặt giá trần cho dầu của Nga song điều này không tồn tại trên thực tế nếu nhìn vào mức giá thị trường.
"Các nước G7 đã đặt ra mức giá trần, tuy nhiên, dường như không có mức giá trần nào trên thực tế", ông Peskov nói, tuyên bố Nga không công nhận mức trần giá dầu do các nước G7 đặt ra.
"Nga đã thực hiện các biện pháp của riêng mình. Và tất nhiên, chúng tôi không công nhận bất kỳ mức giá trần nào... Chúng tôi đang làm việc để việc áp giá trần không gây hại cho lợi ích của Nga", ông Peskov cho biết thêm.
Trước đó cùng ngày, điều phối viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ về cơ sở hạ tầng toàn cầu và an ninh năng lượng Amos Hochstein cho biết, hiện còn quá sớm để biết liệu kế hoạch áp trần giá dầu của phương Tây đối với Nga có hiệu quả hay không.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây đã tích cực tìm cách hạn chế nguồn thu tài chính từ năng lượng của Nga, đặc biệt là từ dầu mỏ và khí đốt.
Hôm 3/2, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), G7 và Australia đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5/2. Trước đó, tháng 12 năm ngoái, EU và G7 cũng đã áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển.
Hôm 28/12 năm ngoái, Tổng thống Nga Putin ký và công bố sắc lệnh đáp trả áp trần giá dầu Nga. Theo đó, điện Kremlin sẽ cấm bán dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu thô của nước này cho các quốc gia áp giá trần trong hợp đồng. Sắc lệnh cũng cấm giao hàng theo những hợp đồng “trực tiếp hoặc gián tiếp tuân thủ cơ chế giá trần".
"Bất chấp các quyết định được đưa ra liên quan đến lệnh cấm vận đối với nguồn cung cho châu Âu và giá trần có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái, tình hình sản xuất và xuất khẩu dầu của Nga vẫn ổn định. Tất cả các biện pháp cần thiết đã được thực hiện để tìm kiếm thị trường mới", Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết vào tháng trước.
Bình luận