“Chúng tôi sẽ không bán dầu cho những quốc gia đưa ra quyết định như vậy. Chúng tôi sẽ cân nhắc đến khả năng, nếu cần thiết… sẽ giảm sản lượng", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm 9/12.
Ông Putin cho biết, mức trần giá dầu sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu của Nga vì ngưỡng 60 USD/thùng do các nước phương Tây đưa ra “tương ứng với mức giá mà Nga bán dầu hiện nay”. “Chúng tôi đã bán với mức giá này, vì vậy đó không phải là điều đáng lo về nguồn thu”, ông Putin nói thêm.
Lãnh đạo Nga cũng cảnh báo: "Các biện pháp này, đến một giai đoạn nào đó sẽ khiến giá dầu tăng không kiểm soát và dẫn đến sự sụp đổ của ngành năng lượng toàn cầu. Đây là một đề xuất điên rồ, thiếu khôn ngoan".
Trước đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh giá dầu của Nga sẽ thay đổi sau khi phương Tây đưa ra mức giá trần.
"Giá dầu sẽ thay đổi. Rõ ràng việc thông qua các quyết định này là một bước tiến tới việc gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu", ông Peskov nói.
EU đồng ý áp giá trần đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường. G7 và Australia cũng đưa ra thông báo tương tự vào ngày 2/12, khẳng định họ cũng sẽ từ chối giao dịch đối với dầu của Nga được bán trên 60 USD/thùng.
Theo Sputnik, Nga đang xem xét ba lựa chọn khả thi để đáp trả việc EU và G7 đưa ra mức giá trần đối với dầu của nước này. Lựa chọn đầu tiên sẽ quy định cấm việc bán dầu của Nga cho các quốc gia áp giá trần, bao gồm cả thành viên G7, những nước ủng hộ mức giá trần. Điều này áp dụng ngay cả khi các nước này mua dầu từ Nga qua trung gian hoặc qua dây chuyền của họ.
Lựa chọn thứ hai của Nga dự kiến cấm xuất khẩu dầu đối với các hợp đồng có chứa các điều khoản liên quan đến giới hạn giá dầu. Ngoài ra, Nga cũng đang tính đến việc đưa ra mức chiết khấu tối đa dầu Urals của Nga so với tiêu chuẩn quốc tế là dầu Brent.
Bình luận