Người đứng đầu tập đoàn vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos, ông Yu Borisov cho biết nước này đưa ra đề xuất về hệ thống giám sát không gian toàn cầu. Ý tưởng được nhắc đến trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày, tập hợp những người đứng đầu cơ quan vũ trụ của các quốc gia nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
“Nga đề xuất tạo ra một hệ thống giám sát không gian toàn cầu nhằm xác định các mối đe dọa, từ cả vật thể tự nhiên và nhân tạo ngoài không gian, như các mảnh vụn, tiểu hành tinh,... và các quốc gia rất quan tâm đến đề xuất”, ông nói.
Ông Borisov cũng cho rằng nếu có thể xây dựng được hệ thống giám sát này, phạm vi sẽ không chỉ giới hạn ở các quốc gia BRICS vì đây là công việc đòi hỏi nỗ lực chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
“Chúng ta chỉ có thể xây dựng một hệ thống như vậy như một hệ thống toàn cầu, vì sẽ cần có rất nhiều cảm biến trên mặt đất, cũng như các thiết bị ngoài không gian, để đảm bảo thông tin chính xác trong trường hợp cần ra quyết định về nguy cơ chạm trán với bất kỳ vật thể nguy hiểm nào”, ông nhấn mạnh.
Hệ thống dự kiến bao gồm một “môi trường thông tin chung”, trong đó các bên gia sẽ đóng góp dữ liệu từ các cơ sở quốc gia nhận lại quyền truy cập vào dữ liệu tổng hợp từ toàn bộ dự án.
Quan chức Nga cũng khẳng định sự kiện hội nghị là một cột mốc quan trọng đối với nhóm BRICS trong lĩnh vực hợp tác không gian. Các quốc gia thành viên BRICS dự kiến sẽ thông qua một tuyên bố chung về vấn đề này trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo vào tháng 9, tái khẳng định cam kết của nhóm trong việc khám phá không gian một cách hòa bình và phản đối việc quân sự hóa trên môi trường này.
Ông nói thêm: “Hầu hết tất cả các bên tham gia diễn đàn của chúng tôi đều đã xác nhận đưa ra cam kết như vậy"
Hồi đầu tháng 2, tập đoàn vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos tiết lộ dự định phóng hơn 40 tên lửa vũ trụ vào năm 2024, lần đầu tiên sau 30 năm.
Bình luận