Nhật Bản trong tháng này chính thức quyết định mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo bằng cách lắp đặt thêm hệ thống đánh chặn tên lửa và trạm radar đặt trên mặt đất Aegis do Mỹ sản xuất, nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa Triều Tiên.
"Những hành động như vậy đi ngược lại hoàn toàn với ưu tiên xây dựng niềm tin về chính trị và quân sự giữa Nga và Nhật Bản", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 28/12 phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.
"Đáng tiếc, động thái đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới bầu không khí chung của quan hệ song phương, bao gồm các cuộc đàm phán liên quan tới hiệp ước hòa bình”, Reuters dẫn lời bà Zakharova cho hay.
Theo bà Zakharova, việc Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ một lần nữa cho thấy Washington vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thông qua sự trợ giúp của Tokyo.
Hơn 70 năm trôi qua kể từ khi Thế chiến II kết thúc song Matxcơva và Tokyo chưa thể đạt được một hòa ước và về mặt lý thuyết, vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Rào cản lớn nhất khiến hai nước không thể chính thức bình thường hóa quan hệ được cho là vấn đề lãnh thổ. Tranh chấp quần đảo Kuril (theo cách gọi của Nga) hay Lãnh thổ phương Bắc (theo phía Nhật) phát sinh từ sau Thế chiến II.
Nga tuyên bố mọi hòn đảo thuộc quần đảo Kuril đều thuộc lãnh thổ Nga còn Nhật Bản cho rằng 4 hòn đảo ở cực nam thuộc chủ quyền của họ. Bế tắc vẫn tồn tại đến ngày nay do hai bên không thể đạt được đồng thuận trong vấn đề này.
Bình luận