• Zalo

Nếu chiến tranh với Hàn Quốc, Triều Tiên sử dụng vũ khí gì?

Thế giớiThứ Hai, 24/08/2015 09:17:00 +07:00Google News

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh liên Triều, Bình Nhưỡng có trong tay những 'quân bài' khiến Seoul ít nhiều cảm thấy khó khăn.

(VTC News) - Trong trường hợp xảy ra chiến tranh liên Triều, Bình Nhưỡng có trong tay những 'quân bài' khiến Seoul ít nhiều cảm thấy khó khăn.

Theo Chinamil, nếu xảy ra chiến tranh liên Triều, xét về ưu thế vũ khí, Triều Tiên đang ở thế yếu so với đối thủ bên kia biên giới là liên quân Mỹ - Hàn. Tuy nhiên, sức mạnh quân đội Triều Tiên nằm ở tinh thần chiến đấu quật cường và niềm tin rằng họ sẽ chiến thắng mọi đối thủ.

Dù vậy, Triều Tiên sẽ phải ở thế bị dồn ép khi mà hầu hết trang bị vũ khí của nước này đều chỉ là hàng cải tiến từ thời chiến tranh liên Triều.
Binh sỹ Triều Tiên
Binh sỹ Triều Tiên 
Một số chuyên gia quân sự trên các trang mạng phương Tây cho rằng, triết lý quân sự Triều Tiên chịu ảnh hưởng lớn từ Liên Xô (cũ) và vũ khí cũng đa phần do Liên Xô viện trợ.

Nhưng theo Chinamil, thực sự Bình Nhưỡng không có nhiều lựa chọn dù họ thừa hiểu tầm quan trọng của thiết bị, khí tài quân sự.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, với điều kiện địa lý của mình, Triều Tiên buộc phải tấn công chứ không thể phòng thủ do dọc biên giới nước này có quá nhiều điểm để quân địch đổ bộ.

Do đó, nguồn tin của Chinamil dẫn tài liệu quân sự Bình Nhưỡng nói bài học cơ bản của quân đội Triều Tiên là: Tấn công.

Bị bao vây về kinh tế, cấm vận quân sự cũng là những điều khiến quân lính Triều Tiên khó lòng có các trang bị hiện đại.

Những 'quân bài' mạnh

Theo National Interest, bom hạt nhân chính là vũ khí nguy hiểm nhất không chỉ Hàn Quốc mà cả thế giới lo lắng.

Bình Nhưỡng có vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006. Theo Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), sức mạnh vụ nổ tương đương 1.000 tấn TNT. CIA cho rằng, đây là thử nghiệm thất bại. Đến năm 2009, Triều Tiên thử hạt nhân lần 2. Lần thử nghiệm gần đây nhất diễn ra vào năm 2013 với đương lượng nổ khoảng 40 kiloton.
Tàu ngầm mini lớp Sang-O mắc cạn ở bờ biển Hàn Quốc năm 1996
Tàu ngầm mini lớp Sang-O mắc cạn ở bờ biển Hàn Quốc năm 1996 
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Bình Nhưỡng có thể đã sở hữu khoảng 6-8 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Viện nghiên cứu và chiến lược quốc tế ISIS đánh giá Triều Tiên có thể lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa tầm trung Nodong. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 1.300 km, đủ sức uy hiếp toàn bộ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng có một hạm đội tàu ngầm mini đông đảo, trong đó nhiều nhất là lớp Sang-O.

Các tàu ngầm này có công nghệ khá lạc hậu, nhưng việc phát hiện ra chúng dưới mặt nước không phải vấn đề đơn giản. Chúng có thể bí mật tiếp cận các tàu chiến Hàn Quốc và tung đòn tấn công.

Video Triều Tiên tuyên bố thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân

Vụ chìm tàu hộ tống Cheonan năm 2010 được cho là do trúng phải ngư lôi bắn ra từ tàu ngầm Triều Tiên.

Bên cạnh nhiệm vụ tấn công, các tàu ngầm mini có thể phục vụ hoạt động triển khai gián điệp.

Năm 1996, một tàu ngầm gián điệp của Triều Tiên mắc cạn ở bờ biển Gangneung, Hàn Quốc dẫn đến cuộc truy lùng quy mô lớn của Seoul. Theo National Interest, hải quân Triều Tiên đang có khoảng 40 tàu ngầm lớp Sang-O và 10 tàu lớp Yono.

Tên lửa đạn đạo

Theo các chuyên gia quân sự phương Tây và Trung Quốc, tên lửa đạn đạo chính là lực lượng xuất sắc nhất trong quân đội Triều Tiên.

Lực lượng này được sự trợ giúp đắc lực của những chuyên gia thời Liên Xô. “Sức mạnh tên lửa Liên Xô là điều đã được chứng tỏ trên chiến trường, vì thế công nghệ tên lửa Triều Tiên kế thừa từ Liên Xô cũng không thể coi thường”.
Tên lửa Triều Tiên
Tên lửa Triều Tiên 
Nguồn tin của trang tin quân sự Military.net còn nói Triều Tiên cũng nhận được sự viện trợ về kỹ thuật tên lửa từ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh phóng thành công tên lửa Trường Chinh đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo.

Tên lửa chủ lực hiện nay của Triều Tiên được cho là mô phỏng SAM 7 của Liên Xô với tầm bắn đủ sức vươn tới bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tên lửa Taepodong được cho là vươn tới tận Mỹ với tầm bắn khoảng 10.000km. Sau vụ phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo hồi tháng 12/2012, Triều Tiên trở thành một trong 5 quốc gia sở hữu công nghệ tên lửa không gian.

Vũ khí hóa học

Nếu xảy ra chiến tranh liên Triều, một trong những 'quân bài' có thể khiến Seoul lo ngại trước Bình Nhưỡng chính là vũ khí hóa học.

Theo CIA, Triều Tiên có kho vũ khí hóa học khá lớn. Sự phát triển của vũ khí này ở Bình Nhưỡng diễn ra khá lặng lẽ.
Vũ khí hóa học - Ảnh minh họa
Vũ khí hóa học - Ảnh minh họa 
Viện hàn lâm khoa học số 2 và Cục máy móc công cụ số 5 chịu trách nhiệm nghiên cứu và sản xuất chúng. Một số nguồn tin không chính thức cho biết, Bình Nhưỡng có khoảng 2.500 đến 5.000 tấn vũ khí hóa học, chủ yếu là khí mù tạt.

Joe Bermudez, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên nhận định, nước này có thể đã sản xuất thành công đầu đạn hóa học sử dụng trong pháo binh hoặc tên lửa.

Nếu được sử dụng trong chiến tranh, chúng có thể gây nguy hiểm trên diện rộng cho quân đội và người dân Hàn Quốc.

Tùng Đinh (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn