Nhiều giả thuyết, nhận định được đưa ra sau quyết định của người Anh muốn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU).
Kinh tế sẽ chịu tác động từ từ
Một bài viết trên tờ Newyork Times cho rằng, nếu bạn đang điều hành một công ty của Anh xuất khẩu nhiều sản phẩm sang châu Âu hay quản lý 1 ngân hàng của châu Âu với hàng ngàn nhân viên ở London thì chưa có gì thay đổi nhiều. Sản phẩm của công ty ở Anh vẫn xuất khẩu sang châu Âu mà không chịu bất cứ hàng rào thuế quan nào, còn các nhân viên vẫn làm việc hợp pháp tại Anh dù họ đến từ Thụy Điển hay Tây Ban Nha.
Cũng theo bài viết của Newyork Times, hậu quả tức thời của Brexit là đến thị trường tài chính. Những thay đổi trong lĩnh vực tài chính có thể sau 1 đêm (theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng) còn những thay đổi về kinh tế sẽ xảy ra từ từ.
Sự thật rõ ràng nhất là thị trường chứng khoán chứng kiến phiên giao dịch chao đảo và sụt giá mạnh hôm thứ 6 hay như đồng bảng Anh chạm đáy 31 năm.
Hãng tin BBC cho hay, hiện tại các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ lên tiếng cho rằng, tác động của Brexit tới nền kinh tế là không nhiều. Họ đã lên tiếng nhằm trấn an các nhà đầu tư cần giữ được bình tĩnh.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp của Nhật Bản hay Ấn Độ dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng. Các doanh nghiệp của Nhật sử dụng tổng cộng khoảng 140.000 người lao động ở Anh, với tổng vốn đầu tư 59 tỷ USD. Các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản cho biết, Brexit xảy ra có thể làm cho mức giá ô tô tại Anh tăng thêm 10%.
Các công ty ở châu Á hoạt động ở Anh để tiếp cận thị trường EU cũng đang đau đầu tính toán các phương án. Cụ thể, công ty điện tử Hitachi của Nhật Bản cho biết, đang xem xét lại một số hoạt động làm ăn tại Anh sau Brexit.
Công ty công nghệ đau đầu
Taavet Hinrikus, người đồng sáng lập của công ty chuyển tiền TransferWise cho biết cuộc bỏ phiếu "không phải là tin tốt" cho các ngành công nghệ cao.
"Hai lợi ích khi Anh thuộc EU là người lao động có thể di chuyển tự do và sử dụng được tài năng của họ. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với một trong những người lao động đó. Brexit không phải là tin tốt cho các ngành công nghệ cao ở Anh và châu Âu", Taavet Hinrikus nói.
Cuộc khảo sát do Juniper Research tiến hành cho thấy, có 65% người được hỏi cho rằng Brexit tác động tiêu cực đến ngành công nghệ cao trên thế giới. Trong đó, 70% số người của nhóm này cho rằng, các công ty công nghệ cao ở Anh khó tìm được và thu hút lao động đến từ EU.
Du lịch bị tác động
Theo Bangkok Post, Brexit sẽ có tác động tới ngành du lịch của Thái Lan. Người đứng đầu Tổng cục Du lịch Thái Lan cho hay, dự đoán khách đến Anh và châu Âu bị suy giảm thời gian tới.
Trước đây, cơ quan này từng nghiên cứu và nhận thấy, du khách tới Anh giảm 1-5% khi đồng bảng Anh mất giá 3-10%, ngay cả khi đồng Euro giảm 5-20% thì số lượng khách từ các nước thuộc Liên minh châu Âu đến Thái Lan cũng giảm 5%.
Được biết, số khách thuộc EU đến Thái Lan trong năm 2015 lên đến 5,6 triệu lượt khách, trong đó khách đến từ Anh có 946.000 lượt. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, số lượng khách du lịch Anh đến Thái Lan là hơn 81.000 người.
Theo tờ Telegraph, với ngành du lịch, ảnh hưởng rõ nhất từ Brexit là tỷ giá của đồng bảng Anh chạm đáy thấp nhất trong 31 năm sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được công bố. Điều này có nghĩa du khách đến từ Mỹ sẽ có lợi hơn cả khi thanh toán các chi phí ở Anh.
Zach Honig - Biên tập viên trưởng tại một tạp chí chuyên về du lịch cho hay, đối với nhiều người, Luân Đôn là địa điểm du lịch đắt đỏ và sự thay đổi ở Anh có thể giúp việc du lịch Luân Đôn trở nên trong tầm tay.
Thị trường chứng khoán "bốc hơi" nhiều tỷ USD
Thị trường chứng khoán toàn cầu mất trắng 2 tỷ USD sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được công bố cho thấy người Anh quyết định rời EU.
Các cổ phiếu giảm mạnh nhất ở châu Âu là GDAXI trên sàn chứng khoán Frankfurt và FCHI trên sàn chứng khoán Paris, với mức giảm từ 7-8% so với trước khi kết quả bỏ phiếu được công bố. Còn chỉ số FTMIB của Italia và IBEX của Tây Ban Nha giảm hơn 12% - Đây là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay khi cổ phiếu của ngân hàng châu Âu lao dốc không phanh.
Video: Nước Anh chao đảo hậu Brexit
Jeff Kravetz - Chiến lược gia của Ngân hàng Mỹ cho hay: "Tôi nghĩ thị trường thực sự bị bất ngờ, đó là lý do tại sao có thể thấy một nguy cơ rủi ro. Cuối cùng thị trường cũng lắng xuống, có thể các nhà đầu tư nhận ra đó không phải thời điểm kết thúc của thế giới".
Cổ phiếu các ngân hàng lớn ở Anh như Lloyds (LLOY.L), Barclays (BARC.L) và RBS (RBS.L) sụt giảm mạnh. Cổ phiếu trên phố Wall giao dịch giảm hơn 3%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 655 điểm, mức giảm mạnh nhất trong 10 tháng qua.
Chỉ số S&P 500 mất 76,02 điểm tức 3,6% còn 2.037,3 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite IXIC giảm 202,06 điểm, tương đương 4,12 % còn 4.707,98 điểm.
Bình luận