Bloomberg dẫn dự báo của DBS cho biết Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng với tốc độ khoảng 6% -6,5% trong thập niên tới, với dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh và tăng trưởng năng suất trong tương lai.
"Nếu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô của nền kinh tế Singapore trong thời gian mười năm tới", chuyên gia kinh tế Irvin Seah của DBS tại Singapore cho biết trong báo cáo công bố hôm 28/5.
Theo báo cáo, hiện tại, quy mô của nền kinh tế Việt Nam là khoảng 224 tỷ USD, tương đương khoảng 69% nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á - Singapore (324 tỷ USD).
"Nếu Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong những năm tới và Singapore tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 2,5%, thì GDP thực tế của hai nền kinh tế này sẽ giao nhau vào năm 2029", chuyên gia của DBS nhận định.
Theo ông Seah, tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam năm nay sẽ đạt ít nhất 6,8%. Tăng trưởng trong tương lai sẽ được thúc đẩy bởi dân số năng động, lực lượng lao động hiệu quả, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhiều và nền chính trị ổn định khuyến khích dòng vốn nước ngoài.
"Các nhà đầu tư nước ngoài đã xếp hàng để trở thành một phần câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam", ông Seah nói. "FDI từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong trong bốn tháng đầu năm nay tăng mạnh cũng có thể đánh dấu sự khởi đầu của một xu hướng mới."
Theo số liệu mà DBS đưa ra, trong 4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vào Việt Nam đạt 2 tỷ USD, nên nhiều khả năng năm nay sẽ là năm mà Việt Nam đón lượng vốn FDI lớn nhất từ hai nhà đầu tư này. Các dự án vốn Trung Quốc vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, chế biến-chế tạo, và bất động sản, theo báo cáo.
Bức tranh chưa hoàn hảo
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, bức tranh sẽ không hoàn hảo cho Việt Nam vì hàng loạt vấn đề trong nước cần được giải quyết. Ví dụ, cải cách doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự quyết liệt trong khi tự do hóa lĩnh vực tài chính chậm hơn so với dự kiến, thường bị giảm bớt bởi những lo ngại về các khoản nợ xấu. Các quy định mơ hồ và quản trị doanh nghiệp kém là một số điểm đau đầu đối đầu với các nhà đầu tư nước ngoài.
"Tuy nhiên, đây là một số thách thức chung liên quan đến bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điều chắc chắn là định hướng chính sách đang đi đúng hướng và đặt ra các nguyên tắc nền tảng cho nền kinh tế là có lợi.
Trong bối cảnh không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu, các công ty và nhà đầu tư sẽ phải bắt đầu tập trung nhiều hơn vào 'ngôi sao đang lên' này để tận dụng triển vọng tăng trưởng của nó. Thật vậy, triển vọng dài hạn của nền kinh tế này so với khu vực đặc biệt tích cực", báo cáo của DBS nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lucy Cameron từ Australia, tác giả báo cáo "Nền kinh tế kỹ thuật số tương lai của Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045", cũng cho biết trong một cuộc hội thảo tại TP. HCM ngày 22/5: "Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và đã trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở Đông Á".
Tuy nhiên, theo chuyên gia, để duy trì tăng trưởng cao, Việt Nam sẽ cần phải vượt qua những thách thức đáng kể, như dân số đang già đi, trong khi biến đổi khí hậu và phát triển nhanh chóng cùng với đô thị hóa đang làm căng thẳng môi trường và sản xuất lương thực. Lực lượng lao động cũng cần học các kỹ năng cấp cao hơn, đặc biệt là khi các công việc đang trở nên tự động hóa trong các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất.
Bình luận