• Zalo

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, hàng Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh

Thế giớiThứ Ba, 28/05/2019 16:07:00 +07:00 Google News

Việt Nam đang hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp Mỹ thay đổi chuỗi cung ứng, đáp ứng tình trạng Mỹ tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc.

Nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng 40,2% trong ba tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 18,4%, dữ liệu từ Cục Thống kê Mỹ cho biết. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 13,9% trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.

61280741_447886789113785_8826336661488009216_n 4

(Ảnh: Bloomberg). 

Theo Bloomberg, nếu tốc độ này có thể duy trì trong cả năm, đó sẽ là một kỳ tích lớn, và Việt Nam có thể vượt qua Italy, Pháp, Anh và Ấn Độ trong hàng ngũ các nhà xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ.

Tổng giá trị xuất khẩu đến Mỹ của Việt Nam năm 2019 có thể đạt 69 tỉ USD.

Trước đây, Việt Nam chỉ đứng thứ 12 trong danh sách này, với giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đạt 49,2 tỉ USD.

Cục Thống kê Mỹ dự báo Trung Quốc vẫn giữ vị trí nhà xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ hết năm nay dù xuất khẩu giảm trong quý I và chiến tranh thương mại leo thang. Giá trị hàng hóa xuất khẩu tới Mỹ của Trung Quốc có thể đạt khoảng 464 tỉ USD trong năm 2019.

Bloomberg bình luận: "Việt Nam trở nên nổi bật trong một khu vực mà phần lớn các 'cỗ máy' xuất khẩu của thế giới đang bị tổn thương do căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và chu trình sản xuất điện tử chậm lại". Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan đều chứng kiến sự thu hẹp xuất khẩu trong tháng 4, trong khi cùng tháng, xuất khẩu của Việt Nam tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam đang hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp Mỹ thay đổi chuỗi cung ứng, đáp ứng với tình trạng Mỹ tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc. "Nền kinh tế này cung cấp lao động chi phí thấp và môi trường kinh doanh được cải thiện cùng với việc tự hào là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới", Bloomberg nhận định.

Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nhắc đến việc các nhà sản xuất có thể chọn Việt Nam là điểm đến sau khi rời Trung Quốc. Trước ông Trump, từ cách đây một năm, nhiều đơn vị phân tích đã nhắc đến viễn cảnh này khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột về thương mại. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi dưới tác động của cuộc căng thẳng thương mại từ việc dòng thương mại chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Việt Nam có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhưng cũng đặt ra cho các doanh nghiệp Việt không ít khó khăn như áp lực cạnh tranh tăng cao và khả năng bị Mỹ tăng thuế do xuất siêu. Khi Trung Quốc khó khăn trong tiếp cận thị trường Mỹ thì tất yếu họ tăng cường xuất khẩu sang các nước khác, tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước và sẽ làm cho nhập siêu của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tăng lên.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, đứng trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải cố gắng nỗ lực không ngừng để tăng cường năng lực cạnh tranh. Trong thời đại công nghệ, các doanh nghiệp cần xem xét những chuyển đổi công nghệ mới, thay đổi hệ thống quản trị, thực hiện chuyển đổi số…

Bên cạnh đó doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh tốt, trở thành thương hiệu. Cố gắng đạt được thương hiệu ví dụ như thương hiệu xanh về bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; thương hiệu hồng về trách nhiệm xã hội đối với người dân, tạo thêm danh tiếng tốt cho doanh nghiệp, tạo nên giá trị thương hiệu của Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam.

“Thời đại hiện nay muốn hay không cũng phải có những chuyển đổi theo xu hướng công nghệ, không thể cạnh tranh mãi bằng cách cũ. Tôi nghĩ áp lực của cuộc chiến thương mại càng thúc đẩy Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phải làm nhanh hơn, khẩn trương hơn, mạnh mẽ hơn” – bà Chi Lan nói.

Theo bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng trong chọn lựa đối tác từ bên ngoài vào, tránh vì cái lợi trước mắt vô tình sa vào trường hợp lẩn tránh thuế hoặc gian lận thương mại. Điều này sẽ không những làm bản thân doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn