• Zalo

Nên có quy định cụ thể buộc cán bộ sai phạm phải từ chức

Chính trịThứ Sáu, 27/05/2022 07:12:20 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, đối với cán bộ có sai phạm, nhiều nước đặt ra cơ chế nếu anh không xin về thì sẽ bị truy tố.

Sau Đại hội XIII của Đảng, Trung ương đã ban hành nhiều quy định, nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ… với đầy đủ căn cứ, tiêu chí được định lượng một cách rõ ràng, cụ thể, có tính pháp lý, làm cơ sở để cán bộ nếu rơi vào một trong các trường hợp trên thì nên chủ động từ chức. Tuy nhiên, thực tế vẫn hiếm thấy có trường hợp nào chủ động từ chức, đặc biệt khi dính sai phạm.

Một trong những lý do để “giải thích” cho vấn đề này được cho là chủ nghĩa cá nhân ở một bộ phận cán bộ quá lớn. Chừng nào chưa xóa bỏ được chủ nghĩa cá nhân, không thể trông đợi cán bộ mắc sai phạm từ chức.

Nên chăng cần đặt ra một cơ chế mang tính chất cưỡng bức hoặc có những quy định cụ thể buộc cán bộ phải từ chức giống như Đảng đã chỉ ra những biểu hiện về suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống của người đảng viên để chỉ rõ đảng viên suy thoái, từ đó có cơ sở để xử lý.

Nên có quy định cụ thể buộc cán bộ sai phạm phải từ chức - 1

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). (Ảnh: Vũ Toàn)

Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng, cán bộ đã vi phạm thì phải từ chức, nhưng hiện nay đa phần người ta tìm cách né tránh, không nhận lỗi. Nếu người ta có lòng tự trọng thì không nói làm gì, khi đã không tự giác thì phải có quy định.

Dẫn chứng từ vụ việc của hàng loạt Giám đốc CDC các tỉnh vừa qua, khi vị nào cũng khăng khăng nói “không nhận một xu nào” của Việt Á nhưng sau đó đều bị bắt hết, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng “kiểu của họ là phải chối đến cùng, khi có chứng cứ họ mới phải chịu”.

Khẳng định cần phải có một quy định cụ thể buộc cán bộ mắc sai phạm phải từ chức, và những quy định này phải dựa vào cơ sở chính là pháp lệnh về cán bộ công chức. Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, yêu cầu đặt ra là việc anh có hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ, vai trò đại diện tiêu biểu, lãnh đạo của đảng viên, quần chúng hay không? Ở cương vị của mình, anh có hoàn thành chức trách nhiệm vụ hay không? Năng lực kém, đạo đức kém không đảm đương được thì phải từ chức.

Nêu vấn đề như vậy nhưng PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà vẫn cho rằng, đây là câu chuyện rất khó bởi đưa ra các quy định mang tính định tính thì được chứ định lượng ra như thế nào là không hoàn thành nhiệm vụ hay thế nào là đạo đức kém phải cần những biểu hiện cụ thể kiểu như phải bắt quả tang, giấy trắng mực đen… là vô cùng khó. Phương án dễ dàng hơn vẫn là vận động lòng tự trọng của quan chức, cán bộ.

Ở các nước khi có vấn đề xảy ra, người đứng đầu phải từ chức, như vụ đắm phà ở Hàn Quốc khiến mấy trăm học sinh tử vong, vị Bộ trưởng Giao thông tuy không liên quan trực tiếp nhưng phải từ chức với tư cách người đứng đầu.

Quay trở lại với vụ việc của nhiều Giám đốc CDC không hề có động thái từ chức mà còn khăng khăng khẳng định mình trong sạch, ông Hà cho rằng, họ luôn nghĩ mình sẽ không bị lộ, cho nên cứ khăng khăng như thế để mọi người nghĩ họ trong sạch nhưng họ không biết cơ quan chức năng đã nắm trong tay đủ bằng chứng. Người ta đã mang cả trăm tỷ đồng đi hối lộ thì đương nhiên sẽ phải khai ra hết mới mong nhẹ tội. Quan trọng hơn, những ai nhận hối lộ đều được ghi chép sổ sách đầy đủ.

“Tóm lại, để buộc cán bộ phải chủ động từ chức vẫn phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cán bộ đó, họ có hoàn thành hay không. Ở vị trí Giám đốc có hoàn thành nhiệm vụ không, có uy tín với cán bộ cấp dưới, nhân viên không, rồi có vi phạm gì về đạo đức không, vi phạm có đến mức xử lý kỷ luật không… Ở nhiều nước người ta đưa ra 2 lựa chọn: một là anh xin về, hai là bị truy tố. Có lẽ mình cũng nên học các nước sao cho hợp lý”, ông Hà nêu quan điểm.

Nên có quy định cụ thể buộc cán bộ sai phạm phải từ chức - 2

PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: KT)

PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, quy định của Trung ương về miễn nhiệm, từ chức có thể nói đã rõ nhưng tinh thần vẫn muốn khuyến khích cán bộ tự giác. Trên thực tế lại không như vậy.

“Tôi cũng đồng ý là cần phải có một quy định bắt buộc nào đó để siết chặt, nếu không từ chức sẽ phải xử lý để cán bộ phải chấp hành. Tuy nhiên nên dùng từ ngữ cho chuẩn. Anh vi phạm nặng thì phải kỷ luật, anh không từ chức thì cũng bị cách chức”.

Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Bùi Thị An cũng đồng tình với quan điểm cần có một hệ thống các tiêu chí để đánh giá cán bộ ở mức nào thì phải từ chức.

Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị An, rất khó đưa ra các tiêu chí để có thể định lượng cụ thể, còn đưa tiêu chí chung chung thì lại như trước đây không ai chịu từ chức. Và về lý thuyết, những tiêu chí đó phải dựa trên kết quả công việc và mức độ vi phạm ảnh hưởng đến xã hội của cán bộ. Đặc biệt là tiêu chí để đánh giá mức độ uy tín.

Đây cũng là tiêu chí rất khó để định lượng, nhiều cán bộ đã mất hết uy tín nhưng cứ khăng khăng mình chưa mất. Kể cả việc lấy ý kiến cấp dưới, liệu rằng họ có dám nhận xét cấp trên của mình làm không tốt, không có uy tín không?

Như vậy là còn phải tính xem cách lấy ý kiến thế nào cho phù hợp thực tiễn với hoạt động và điều hành của cán bộ đó. Việc này chỉ có thể làm tốt nếu cấp trên trong sáng, có trình độ và cấp dưới có bản lĩnh, dám đấu tranh, nói thẳng nói thật.

Nhấn mạnh đây là vấn đề vô cùng khó nhưng theo bà Bùi Thị An không thể không đặt ra để nghiên cứu, xem xét, không để tình trạng “cháy rồi mới dập lửa”.

Thanh Hà(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn