NATO cảnh giác cao độ khi Nga tập kết máy bay gần biên giới Ukraine

Thời sự quốc tếThứ Năm, 16/02/2023 07:00:00 +07:00
(VTC News) -

FT dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết, theo thông tin tình báo được chia sẻ giữa các đồng minh trong NATO, Nga đang tập trung máy bay gần biên giới với Ukraine.

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Moskva chuẩn bị hoạt động hỗ trợ cho một cuộc tấn công trên bộ, hoặc cũng có thể huy động sức mạnh không quân nhằm phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường.

NATO cảnh giác cao độ khi Nga tập kết máy bay gần biên giới Ukraine - 1

Tiêm kích Sukhoi Su-35 của Nga. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, giới chức Ukraine dự đoán Nga có thể tiến hành cuộc tấn công mới trước thời điểm 24/2/2023 – tròn một năm phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Vẫn chưa rõ thời gian, phạm vi thực hiện kế hoạch của Nga, nhưng giới phân tích cho rằng, cuộc tấn công nếu diễn ra ở thời điểm hiện tại sẽ rất bất lợi cho Ukraine.

Lo ngại về một cuộc không chiến lớn sắp xảy ra tại Ukraine, Mỹ và đồng minh đã ưu tiên vận chuyển nhanh chóng thiết bị phòng không, đạn pháo tới Kiev để phản ứng với sự thay đổi về chiến thuật của Nga khi cuộc xung đột chuẩn bị bước sang giai đoạn mới, được cho là sẽ nguy hiểm hơn.

Trong cuộc họp với các nước đồng minh tham gia hỗ trợ Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nêu bật mối đe dọa từ lực lượng không quân Nga. Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ dẫn lời ông Austin cho biết: “Bộ trưởng Austin nói rõ rằng chúng ta có rất ít thời gian để giúp Ukraine chuẩn bị ứng phó với cuộc tấn công. Họ đã đưa ra những yêu cầu khá cụ thể”.

Quan chức này lưu ý: “Lực lượng bộ binh của Nga đã bị thiệt hại khá nhiều sau các cuộc giao tranh nên việc tập kết máy bay có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang chuẩn bị cho một cuộc không chiến. Vì thế, Ukraine cần phải nâng cấp khả năng phòng không và cần thêm nhiều đạn dược”.

Trong cuộc họp báo ngày 14/2, ông Lloyd Austin nói: “Chúng tôi biết Nga có nhiều máy bay chiến đấu và vẫn còn nhiều nguồn lực quân sự. Hệ thống phòng không hiện tại của Ukraine hiện giờ là không đủ và chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ để đảm bảo họ có khả năng tự vệ trong trường hợp Nga huy động toàn bộ lực lượng không quân vào cuộc chiến”.

Ở giai đoạn đầu xung đột, Nga được cho là đã huy động khá hạn chế lực lượng không quân của nước này, thay vào đó, chủ yếu sử dụng tên lửa tầm xa, pháo binh và lực lượng trên bộ. Các nhà phân tích phương Tây suy đoán, điều này có thể là do Moskva không muốn bị mất những máy bay chiến đấu tối tân nhất.

Theo một nhà ngoại giao cấp cao của NATO, nhiều đánh giá tình báo chỉ ra rằng, lực lượng không quân của Nga “vẫn thực sự được bảo toàn về sức mạnh”. “Hơn 80% nguồn lực không quân của Nga có lẽ vẫn được bảo toàn và luôn sẵn sàng triển khai. Vì thế tôi cho rằng họ đang chuẩn bị tiến hành một chiến dịch không kích lớn, cố gắng vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống phòng không của Ukraine”, nhà ngoại giao này lưu ý.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên của NATO đã tiến hành cuộc họp vào ngày 14/2 để cam kết bổ sung thiết bị quân sự cho Ukraine. Một số nguồn thạo tin cho biết, Mỹ dự kiến công bố một gói hỗ trợ mới cho Ukraine vào cuối tuần này, trong đó, chủ yếu là hệ thống phòng không và đạn dược.

Thời gian gần đây, các quan chức Ukraine và NATO đã cảnh báo về tình trạng thiếu đạn dược. Các nước phương Tây lo ngại kho dự trữ vũ khí của họ đang dần cạn kiệt, còn chuỗi cung ứng quốc phòng ngày một co hẹp. Nhiều quan chức cho biết, nhu cầu trước mắt của họ về trang thiết bị như máy bay chiến đấu hoặc xe tăng đã vượt qua các nhu cầu dài hạn, sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công mới tại Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 14/2 cho biết, nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall sẽ khởi động lại việc sản xuất đạn dược cho pháo phòng không Gepard như một phần của nỗ lực mới nhằm hỗ trợ Kiev. Pháo phòng không Gepard được cho là vũ khí hiệu quả để quân đội Ukraine bắn hạ máy bay và tên lửa ở tầm thấp. Tuy nhiên kho đạn dành cho hệ thống pháo này đã cạn kiệt sau khi quân đội Đức cho ngừng hoạt động vào năm 2010. Trong khi đó, nỗ lực của Berlin nhằm thuyết phục Thụy Sỹ và Brazil bổ sung đạn dược cho Ukraine từ kho dự trữ của họ đã thất bại.

Phát biểu với báo chí, ông Pistorius nói: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng bắt tay sản xuất đạn dược cho hệ thống Gepard tại nhà máy Rheinmetall”.

Trong chuyến thăm châu Âu tuần trước, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh của Washington cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine, nhưng một quan chức Mỹ cho rằng, điều này không quan trọng bằng việc cung cấp đạn dược nếu Ukraine muốn duy trì lợi thế trong thời gian tới.

Hiện giờ chúng ta cần phải tập trung nâng cấp khả năng phòng thủ trên không của Ukraine bằng cách trang bị pháo phòng không và các loại đạn pháo thích hợp. Máy bay chiến đấu không có khả năng chống lại lực lượng không quân Nga hiệu quả như pháo phòng không”, một quan chức Mỹ cho biết.

Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố Mỹ sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng các quan chức Mỹ thừa nhận rằng họ có khả năng cung cấp cho Kiev sức mạnh không quân tinh vi hơn khi xung đột kéo dài, hoặc ít nhất bật đèn xanh cho những quốc gia khác chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho quốc gia Đông Âu này.

Hồng Anh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn