BS Nguyễn Thị Lệ Mỹ, Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh viện vừa mổ cấp cứu một trường hợp nữ bệnh nhân 59 tuổi nguy kịch vì xuất huyết não. Nữ bệnh nhân tên là H.T.T.L, sinh sống tại Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bà L. nhập viện vào ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm, trong tình trạng nôn ra máu, hôn mê do tái phát bệnh cũ.
Sau khi nhập viện, nữ bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật hút máu tụ trong não, giảm áp lực lên não. Hiện tại, sau ca mổ, bà L. vẫn còn đang trong tình trạng hôn mê, chưa tỉnh táo, phải nằm tại bệnh viện để theo dõi thêm.
Theo chẩn đoán của bác sĩ, nguyên nhân khiến bà L. bị chảy máu não có rất nhiều, nhưng khả năng lớn nhất là do tiền sử bệnh cao huyết áp.
Tiết trời nắng nóng khiến bệnh tình của bà L. tái phát, dẫn tới đột quỵ chảy máu não, làm cho nữ bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, nguy kịch.
Thông tin người nhà bệnh nhân cho biết, bà L. bị cao huyết áp hơn 10 năm nay. Bà có duy trì uống thuốc huyết áp đều. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, bà hay đau đầu. 6h sáng 2/7, bà bị ngất, ngã phải đi cấp cứu.
Trường hợp của bà L. cũng là trường hợp nặng nhất mà Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận trong ngày hôm đó.
Qua trường hợp của bà L., BS Lệ Mỹ khuyến cáo, khi tiết trời nắng nóng, hai đối tượng cần phải đặc biệt chú ý sức khỏe là người già và trẻ nhỏ. Vào những ngày này, Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc có mức nhiệt rất cao, người già có tiền sử bệnh dễ gặp tai biến, còn trẻ nhỏ thì dễ bị say nắng.
Đặc biệt, với điều kiện các gia đình, cơ quan, công sở đều có điều hòa nhiệt độ như hiện nay, việc thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi, bị sốc nhiệt, nguy cơ cao dẫn tới các bệnh tim mạch, thậm chí chết người.
"Không chỉ người già, trẻ nhỏ mà ngay cả những người ở trong độ tuổi thanh niên, những người có sức khỏe và khả năng thích nghi tốt cũng có khả năng mắc bệnh hoặc đột tử do nắng nóng", BS Lệ Mỹ cảnh báo.
Để phòng ngừa nguy cơ bệnh tật trong những ngày nắng nóng, BS Lệ Mỹ khuyên, người dân không nên ra đường vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm (nhất là vào lúc giữa trưa), tránh tối đa ánh nắng gay gắt, không nên thay đổi môi trường nhiệt độ quá đột ngột, không sử dụng điều hòa với mức nhiệt quá thấp (nhiệt độ phòng không được thấp hơn 10 độ C so với nhiệt độ ngoài trời).
Đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, tai biến, cần kiểm soát tốt bệnh tật, nếu có thể tránh được phải làm việc, hoạt động trong thời tiết nắng nóng thì hãy tránh tối đa. Người cao tuổi không nên ra ngoài vào thời gian giữa trưa khi mà ánh nắng chiếu gay gắt nhất.
Nếu bắt buộc phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần thu xếp để hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất, hoặc chuyển đổi giờ làm việc vào thời gian nhiệt lượng đã hạ xuống mức thấp hơn. Trang bị cho cơ thể những bộ đồ chống nắng, chống nóng, và phải thường xuyên bù nước, bù chất điện giải.
Video: Nắng nóng, nhiều người đột quỵ nhập viện
Bình luận