Tại họp báo chiều 18/5, ông Nguyễn Trường Giang - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật kiêm Phó Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tuần trước, phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng theo tờ trình của Chính phủ.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh sẽ nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc nâng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng. Chính phủ cho biết sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi việc điều chỉnh này có hiệu lực.
Ông Giang nói thêm, theo uỷ quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có quyền quyết định đối tượng nào chịu thuế, mà chỉ quyết định điều chỉnh mức tăng giảm trừ gia cảnh nếu CPI biến động vượt 20% trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Thực tế, từ năm 2013 đến nay CPI đã tăng 23,2%.
"Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng của Chính phủ là phù hợp với biến động tăng của CPI", ông Trường Giang khẳng định.
Mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020, do theo quy định hiện hành, kỳ tính thuế tiền công, tiền lương của doanh nghiệp được tính theo năm, từ ngày 1/1. Vì thế doanh nghiệp sẽ tạm ứng trước thuế thu nhập cá nhân và khi quyết toán thuế thì sẽ được truy hoàn.
Mới đây, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, sau nhiều ý kiến góp ý, Bộ Tài chính khi xây dựng dự thảo này vẫn bảo lưu quan điểm ngay từ đầu là chỉ đồng ý nâng giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam đề nghị điều chỉnh giảm trừ gia cảnh ở mức cao hơn cho phù hợp tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức thu nhập,...
Điển hình là ý kiến của Bộ Tư pháp khi đánh giá, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng mức giảm trừ gia cảnh kể trên mới chỉ tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động tăng 23,2% trong khi yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế, mức sống của người dân tăng cao thì chưa được tính đến.
Vì vậy, Bộ Tư pháp khẳng định việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo hướng thăng bằng với chỉ số tăng của CPI là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, cân nhắc, tính toán mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh ở mức cao hơn cho phù hợp.
Bình luận