• Zalo

Nâng dự trữ xăng dầu quốc gia lên 10 lần năm 2030: Doanh nghiệp kiến nghị gì?

Đầu TưThứ Sáu, 04/08/2023 07:16:03 +07:00Google News
(VTC News) -

Dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ được nâng lên 75-80 ngày nhập ròng vào 2030, gấp hơn 10 lần hiện nay, muốn làm được điều đó, cần những điều kiện gì?

Theo quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự trữ xăng dầu quốc gia (dầu thô, sản phẩm) sẽ được nâng lên 75-80 ngày nhập ròng vào 2030, tức gấp hơn 10 lần hiện nay và tăng lên 90 ngày từ sau giai đoạn này.

Trả lời VTC News về kế hoạch dài hơi này, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho rằng: "Dự trữ xăng dầu quốc gia mỏng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng nguồn cung khi thị trường biến động.Vì thế, việc nâng dự trữ xăng dầu quốc gia là việc cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, nếu muốn thực hiện, cần phải ban hành chính sách bù giá cho phần dự trữ để doanh nghiệp không rơi vào cảnh càng bán càng lỗ”.

Dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ được nâng lên 75-80 ngày nhập ròng vào 2030, gấp hơn 10 lần hiện nay. (Ảnh minh họa)

Dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ được nâng lên 75-80 ngày nhập ròng vào 2030, gấp hơn 10 lần hiện nay. (Ảnh minh họa)

Ông Tây cho biết, hiện nay, chu kỳ điều chỉnh giá ngắn thì doanh nghiệp đầu mối sẽ mua ít xăng dầu lại. Chẳng hạn trước đây thời gian điều chỉnh giá xăng dầu kéo dài 1 tháng thì doanh nghiệp mua 3 tàu, mỗi chiếc 30.000 tấn để dự trữ cả tháng. Sau khi thời gian điều hành giảm xuống 15 ngày thì doanh nghiệp giảm mua 1 tàu. Đến khi thời gian điều hành giá xuống còn 10 ngày thì doanh nghiệp bỏ luôn 2 chiếc tàu lớn, chỉ chạy 1 chiếc 8.000 tấn. Do vậy, khi nguồn xăng dầu đầu vào bị đứt là xăng dầu tại các doanh nghiệp nhập khẩu cũng đứt nhanh, không trở tay kịp như năm vừa rồi.

Cũng theo ông Tây, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày khiến không chỉ doanh nghiệp đầu mối mà ngay cả doanh nghiệp bán lẻ cũng không dám nhập số lượng nhiều về tích trữ vì dễ rơi vào cảnh càng bán càng lỗ.

“Thời gian trước đây, mỗi doanh nghiệp bán lẻ nhập hàng trăm nghìn lít về bán trong khoảng thời gian 15- 20 ngày, nhưng nay họ chỉ nhập vừa đủ để bán thời gian 10 ngày, vì càng nhập nhiều, giá cả biến động càng thêm lỗ. Doanh nghiệp chỉ nhập ở mức vừa bán từ đầu kỳ đến kết thúc kỳ điều chỉnh giá”, ông Giang Chấn Tây nói.

Vì thế, theo dự kiến, kỳ điều hành giảm xuống 7 ngày thì lượng xăng dầu dự trữ càng thêm hạn chế.

Tương tự, ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cũng cho rằng, thời gian điều chỉnh giá bán xăng dầu càng ngắn thì lượng dự trữ trong doanh nghiệp càng ít.

“Chẳng doanh nghiệp nào ôm dự trữ nhiều, bởi ôm nhiều thì sẽ lỗ nhiều vì giá xăng dầu luôn biến động. Chẳng có doanh nghiệp tư nhân kinh doanh theo cơ chế thị trường nào mà lại đi dự trữ xăng dầu với số lượng lớn vì nó không phù hợp với cơ chế tư nhân. Họ chỉ đảm bảo tồn kho tối thiểu vì lợi nhuận kinh doanh xăng dầu thấp, lại phải chi phí kho bãi, hao hụt, điện, phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, các doanh nghiêp bán lẻ bể chứa cũng chỉ dự trữ được 10- 15 ngày là hết”, ông Dũng nói.

Hiện nay, theo Nghị định 83 và 95, các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ nguồn hàng 20 ngày và tất cả các doanh nghiệp đầu mối đều thực hiện tốt. Theo ông Dũng, muốn tăng dự trữ xăng dầu quốc gia lên 10 hay 20 lần phải xây dựng được các kho dự trữ quốc gia đặt ở những vị trí phù hợp và đây là vai trò của Nhà nước.

"Chúng ta đã xây dựng hệ thống kho dự trữ lương thực quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực thì xăng dầu cũng phải vậy. Phải xây kho lớn và cần phải thành lập một đơn vị quản lý kho dự trữ riêng, chẳng hạn là Tổng cục dự trữ xăng dầu quốc gia", ông Dũng đề xuất.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, đến lúc này, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước không liên quan đến việc dự trữ xăng dầu quốc gia. Bởi nếu đã có kho đủ cho dự trữ thì khi nào giá xăng dầu thế giới giảm thì chúng ta nhập, khi nào giá xăng dầu thế giới tăng cao thì lấy kho dự trữ ra bán để kiểm soát giá trong nước.

Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nêu ý kiến, để doanh nghiệp có thể xây dựng được hệ thống dự trữ xăng dầu lớn hơn, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ việc đầu tư, xây dựng hệ thống, có tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận đất đai làm kho. Bởi chi phí cho đất là rất lớn, có thể lên tới hàng chục tỷ đồng/năm, nhiều doanh nghiệp không thể kham nổi. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đã từng có phương án đầu tư kho dự trữ xăng dầu nhưng phải dừng lại vì chi phí vượt tầm.

Việt Nam cần có những kho xăng dầu đủ lớn để dự trữ tăng 10 lần đến năm 2030. (Ảnh minh họa)

Việt Nam cần có những kho xăng dầu đủ lớn để dự trữ tăng 10 lần đến năm 2030. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 893 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.  Trong đó, nâng tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước (bao gồm dầu thô và sản phẩm) lên 75 - 80 ngày nhập ròng vào năm 2030, cao gấp 10 lần so với mức dự trữ hiện tại. Định hướng sau năm 2030, xem xét tăng dần mức dự trữ lên 90 ngày nhập ròng.

Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165 - 184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 294 - 311 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo quy định hiện nay, cơ cấu dự trữ xăng dầu của Việt Nam đến từ 3 nguồn: dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối (20 ngày) và thương nhân phân phối 5 ngày; dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu và dự trữ quốc gia.

Hiện nguồn dự trữ quốc gia tương đối mỏng, khoảng 5-7 ngày nhập khẩu ròng, nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng, mức này không đủ.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn