Sáng 28/2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu. Cơ quan giải trình là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên được mời phát biểu trước, sau đó là Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ông Diên nhận định 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng nhập khẩu xăng dầu
"Tỷ giá USD và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, cùng với sự cố của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sự khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối", ông Diên nói.
Sản xuất xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, gây khó khăn về nguồn cung trong nước ở một số thời điểm nhất định.
Tuy nhiên, ông Diên nhận định việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm. Tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).
Ông Diên khẳng định Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Khó có tiền để mua dự trữ
Về nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, khó khăn chủ yếu hiện nay của nhà máy là vấn đề tài chính. Để xử lý khó khăn này, các bên tham gia góp vốn tại dự án, nhà máy và những ngân hàng tài trợ vốn đang tích cực đàm phán để thống nhất phương án tái cấu trúc tài chính phù hợp.
Bộ Công Thương cho biết đã tích cực triển khai xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu, 4 lần trình Thủ tướng phê duyệt. Trong phương án trình lần thứ 4 vào ngày 27/12/2022, đề xuất từ năm 2023 đến 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày; trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện ngân sách mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.
Để từng bước giải quyết khó khăn trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo ông Diên, trong năm 2022 và đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường của Bộ đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng.
Về việc rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, Bộ đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95, trong đó tập trung vào một số vấn đề như thời gian điều hành giá xăng dầu; quyền nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu (quy định về nguồn hàng, tỷ lệ chiết khấu tối thiểu…), công thức giá xăng dầu; phương thức điều hành giá xăng dầu...
Năm 2022, tình trạng dừng bán hàng ở nhiều cây xăng xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Cảnh người dân xếp hàng mua xăng kéo dài được cho là đã nhiều năm chưa xảy ra. Nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu cho biết không có nguồn xăng để nhập hàng, một số khác thì nói rằng càng bán, làng lỗ. Trong khi đó, giá xăng biến động mạnh, có lúc đã vượt 31.000 đồng/lít. Tình trạng thiếu xăng cơ bản được khắc phục vào các tháng cuối năm.
Bình luận