Những ngày lễ, Tết của đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Kôh sống trên đại ngàn Trường Sơn thuộc các tỉnh miền Trung, bánh sừng trâu là món luôn phải có trong mâm cỗ.
Lá đót gói nếp than
Những ngày trước Tết, đi đâu xa, anh Đặng Thái (người Pa Kôh, trú làng Việt Tiến, A Lưới, Thừa Thiên-Huế) lặn lội trên các sườn đồi tìm hái lá đót để gói bánh sừng trâu. Theo anh Thái, chỉ loại lá này mới làm nên món bánh sừng trâu độc đáo bao đời nay của đồng bào sống trên dãy Trường Sơn này.
Anh Thái chia sẻ: “Trước Tết, khi những rẫy nếp than (cu char) vừa thu hoạch xong không lâu, được mang ra gói bánh là ngon nhất, đúng vị nhất".
Lau lá đót thật khô, vo nếp sạch, anh Thái bày biện mọi thứ ra góc nhà sàn rồi “trình diễn” các công đoạn gói bánh. Anh Thái lấy ngọn lá đót quấn 2 vòng quanh ngón tay cái làm thành hình chiếc phễu rồi xúc nếp than đổ đầy vào phần hốc lá đã gấp, cẩn thận cuốn thân lá thành đỉnh của hình tam giác. Tiếp tục cho nếp vào rồi cuốn phần còn lại của chiếc lá sao cho thành góc còn lại của hình tam giác. Chỉ vài phút, chiếc bánh đã xong, đẹp đẽ.
“Thực ra tiếng đồng bào mình gọi nó là aquat nhưng vì hình bánh như chiếc sừng trâu nên người ta gọi đó là bánh sừng trâu và con cháu chúng tôi sau này cũng gọi đó là bánh sừng trâu”, anh Thái giải thích.
Khác với bánh chưng, bánh tét ngày Tết của người Kinh, aquat thường được gói bằng nếp than mà không kèm gia vị hay nhân bánh. Cứ gói thật đẹp, chặt, người ta áp 2 chiếc bánh vào nhau rồi dùng dây leo mọc trong rừng buộc lại.
Những ngày lễ, Tết, tùy theo lượng khách, gia chủ muốn thết đãi mà gói, có khi chỉ vài chục những có lúc cả vài trăm cặp bánh.
Một điểm khác nữa là nếu nếp gói bánh chưng phải được ngâm trước khi đem gói thì bánh sừng trâu lại được gói rồi đem ngâm.
“Bắc bếp xong, cho bánh vào nồi rồi ngâm cỡ 2 tiếng đồng hồ cho nếp no nước. Rồi cứ thế nấu thêm 2 tiếng đồng hồ nữa là được. Khi vớt bánh ra, chỉ cần nhìn vào sự chuyển màu của lá đót là biết bánh chín tới hay chưa”, anh Thái cho biết quy trình nấu bánh.
Anh Thái bảo, aquat chỉ thơm khi gói với lá đót không non mà cũng không già. Bánh chín, lần lượt bóc lớp lá ra từ “đỉnh sừng trâu”, mùi thơm từ lá đót rất hấp dẫn. Khi ăn, vị nếp than nấu chín bốc hương thơm ngào ngạt. Vị ngọt, vị bùi béo của thứ gạo nếp trứ danh đúng là không thể lẫn vào đâu được.
“Nếp than bình thường nấu thành xôi cũng đã ngon, giờ kết hợp với là đót đúng là hương vị rất khó tả. Nếu cận Tết, trời vẫn cứ mưa là đồng bào trên dãy Trường Sơn rất lo vì nếu không hái được lá đót thì không thể làm nên hương vị bánh sừng trâu", anh Thái cho biết.
Sứ giả ẩm thực
Người Cơ Tu sinh sống ở các huyện vùng cao Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cũng gói bánh sừng trâu để đãi khách trong những dịp cưới hỏi, lễ Tết. Đồng bào nơi đây không gọi bánh sừng trâu là aquat như đồng bào ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị mà gọi là a cuốt.
Anh A Lăng Ngước (trú huyện Đông Giang, Quảng Nam) bảo rằng, tên sừng trâu là tên gọi “Kinh hóa” của loại bánh này. Trước đây, người Cơ Tu vùng thấp thường dùng loại bánh này trong những lễ ma chay. Khi đâm trâu xong, người ta ném bánh lên cây nêu như để dâng cúng người âm.
“Người Cơ Tu vùng cao như Tây Giang từ bao đời nay đều làm a cuốt trong những việc vui trọng đại. Người Cơ Tu chúng tôi đều làm a cuốt vào mỗi xuân về để đãi khách đến chơi nhà”, anh Ngước cho biết.
Theo anh Ngước, cũng như người Kinh gói bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết, những bản làng vùng cao vui chung Tết cổ truyền đều làm a cuốt như là món không thể thiếu. Những ngày Tết gần đây, người Cơ Tu làm nhiều hơn bánh sừng trâu, phần để biếu tặng phần vì tiện lợi trong việc mời khách.
“Bánh nhỏ vừa đủ phần ăn của một người, vừa không phải dính tay khi ăn nên ngày càng có nhiều người thích dùng hơn. Cũng vì vậy mà giờ đây nhiều gia đình người Kinh cũng đặt mua bánh này về vừa để dùng cho tiện vừa để biếu bạn bè dưới xuôi như một sản vật độc lạ của vùng cao”, anh Ngước cho biết.
Các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn khu vực miền Trung có thể gọi tên khác nhau như aquat, a cuốt nhưng sừng trâu là tên chung bắt nguồn từ hình dạng độc đáo của loại bánh này. Bánh sừng trâu là “sứ giả ẩm thực”, thể hiện sự giao thoa văn hóa vùng cao.
Bình luận