• Zalo

Nam sinh leo lên đỉnh đồi dò sóng 3G, dựng lán để học online

Diễn đànThứ Hai, 13/04/2020 14:47:27 +07:00Google News

Gần 7h, Quang Thế Hà, lớp 10A10 trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên), trèo lên ngọn đồi gần nhà để bắt sóng 3G học online.

Hà là người dân tộc Thái, quê ở xã Diễn Lãm, Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Nhà em chưa có điện lưới mà phải dùng điện năng lượng mặt trời, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Internet cũng không có khiến Hà gặp khó khi phải học online do ảnh hưởng của COVID-19.     

Sau Tết, khi nhà trường thông báo nghỉ phòng chống dịch, giáo viên giao bài tập cho học sinh qua các nhóm trên mạng xã hội. Hà phải đi tìm nơi có Internet ổn định để lấy đề bài rồi về nhà làm, hôm sau lại đến nơi có mạng để gửi phần bài làm cho thầy cô. Từ khi trường bắt đầu tổ chức học trực tuyến qua Zoom, Teams, việc học trở nên vất vả hơn. Hà không thể thường xuyên tham gia học đầy đủ.

Nam sinh leo lên đỉnh đồi dò sóng 3G, dựng lán để học online - 1

Quang Thế Hà dựng lán giữa đồi để học trực tuyến. (Ảnh: Đoàn trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc)

Đến ngày 1/4, trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc triển khai học trực tuyến chương trình chính khóa theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không thể để hổng kiến thức, Hà leo theo lối mòn, tìm lên một đỉnh đồi cách nhà hơn 10 phút đi bộ - nơi có thể bắt sóng 3G ổn định, tự dựng một lán nhỏ làm nơi học tập. Từ ngày có lán, Hà không bỏ buổi học nào theo thời khóa biểu của trường. Sáng lên đồi học, chiều về em tranh thủ làm bài rồi phụ giúp bố mẹ công việc gia đình.

May mắn hơn Thế Hà, bạn Xồng Bá Chia, học sinh lớp 12A6, không phải dựng lán giữa rừng. Em học tại chòi ngô cách nhà vài km - nơi đồng bào dân tộc sử dụng để canh nương rẫy, chứa ngô lúa sau khi thu hoạch. Dù rộng chưa đầy 4 m2 lại chứa đầy nông sản, chòi ngô là chỗ học online lý tưởng cho cậu học trò người dân tộc Mông ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Lên chòi ngô học, thỉnh thoảng mạng vẫn chập chờn, buổi học bị gián đoạn nhưng Chia vẫn tiếp thu được kiến thức. Hết giờ học, em tranh thủ ở lại nương làm giúp bố mẹ để có thêm tiền sinh hoạt cho 7 thành viên trong gia đình.

Nam sinh leo lên đỉnh đồi dò sóng 3G, dựng lán để học online - 2

Chòi ngô - nơi Xồng Bá Chia học online mỗi ngày. (Ảnh: Đoàn trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc)

Ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, Hoàng Thị Mỵ, lớp 11A4, người dân tộc Mông, cũng chật vật học online. Với học sinh người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, không đến trường đồng nghĩa với ở nhà làm nương, phụ giúp gia đình. Mỵ không phải ngoại lệ.

 Vì vậy, khi trường triển khai dạy trực tuyến theo thời khóa biểu, Mỵ phải tranh thủ vừa làm nương, vừa nghe thầy cô giảng bài. Tối đến, sau ngày dài trên nương, nữ sinh mới có thời gian để làm bài tập.

Không chỉ Hà, Chia, Mỵ, rất nhiều học sinh trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc phải khắc phục hoàn cảnh để học online. Cô Trần Thị Thanh Huệ, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên - An ninh, Bí thư Đoàn trường, cho biết trường có hơn 2.500 học sinh đến từ 20 tỉnh vùng núi từ Quảng Bình trở ra Bắc, đa số ở vùng sâu, mạng, điện chập chờn, gặp khó khăn khi học online.

"Chưa nói đến học, để liên lạc được với các em, đặc biệt là những em thuộc dân tộc rất ít người (dưới 1.000 người) như Cống, La Hủ, Pu Péo, giáo viên chủ nhiệm cũng rất vất vả", cô Huệ nói và cho biết thầy cô phải thông qua nhiều kênh như nhờ bạn bè, phụ huynh gần đó, thậm chí qua cả UBND xã để liên hệ.

Với những em có phụ huynh không biết tiếng Kinh, việc vận động học online khó hơn bội phần bởi một số có tâm lý cho con bỏ học luôn vì nghỉ quá dài. Đến nay, nhà trường vẫn chưa thể liên lạc với một số em.

Để động viên học sinh học tập, trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc lên danh sách những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gửi thẻ điện thoại 200.000 đồng cho mỗi em để nạp, đăng ký 3G, 4G học online. Đoàn trường đăng tải hình ảnh học sinh "Tạm dừng đến trường - Không dừng học" lên mạng xã hội để lan tỏa tinh thần vượt khó học tập. Từ đó, nhiều cựu học sinh, nhà tài trợ cũng biết đến, ủng hộ tiền, thậm chí cả điện thoại giúp các em.

Với sự cố gắng của thầy và trò, tỷ lệ học online ban đầu chỉ 50%, sau tăng dần lên 70% và hiện là khoảng 90%. Ví dụ lớp 12A8 có 42 học sinh, trong đó một nửa thuộc dân tộc rất ít người nhưng 100% đã tham gia học trực tuyến. "Nhà trường sẽ tiếp tục lên danh sách học sinh còn khó khăn để hỗ trợ. Với những em không thể học online, trường sẽ có kế hoạch dạy bù khi các em quay trở lại trường", cô Huệ chia sẻ.

Nam sinh leo lên đỉnh đồi dò sóng 3G, dựng lán để học online - 3

Học sinh Hoàng Thị Mỵ tranh thủ vừa làm nương, vừa học online. Ảnh: Đoàn trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc.

Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc được thành lập năm 1957, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường gồm hai hệ là phổ thông và hệ dự bị đại học dân tộc. Do COVID-19, từ sau Tết, học sinh toàn trường phải nghỉ học. Trường đã triển khai nhiều hình thức học trực tuyến như giao bài tập, gửi link bài giảng trên truyền hình, dạy trực tuyến qua các ứng dụng Zoom, Teams.     

Năm học 2019-2020, 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng COVID-19. Hiện, hầu hết tỉnh thành cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.     

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cắt giảm chương trình học, yêu cầu các địa phương tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình chương trình chính khóa. Bộ đã công bố đề thi minh họa THPT quốc gia theo chương trình tinh giản.

Đến ngày 13/4, COVID-19 xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,8 triệu người nhiễm, hơn 114.000 người chết. Tại Việt Nam, 262 người mắc COVID-19, chưa ai tử vong.  

  Video: Học sinh học trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ do dịch COVID-19

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn