Hơn 11h30, Nguyễn Tất Minh và Nguyễn Đức Quân trở về phòng nghỉ sau buổi học căng thẳng. Căn phòng của Minh và Quân rộng chừng 25m2, ở tầng 1 nhà B6, khu ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phòng ký túc tiện nghi nhất trường
Dù là tân sinh viên, nhưng tất cả các bạn ở khu ký túc xá đều biết câu chuyện về nghị lực của Minh và Quân. Họ gọi nơi hai cậu ở là “phòng ghép đặc biệt”.
Nguyễn Tất Minh (SN 2002, quê Thanh Hoá) bị khuyết tật hai chân và một tay. 10 năm học phổ thông, Minh đến trường trên lưng của cậu bạn thân Ngô Văn Hiếu. Còn Nguyễn Đức Quân (SN 2002, quê Hải Phòng) bị mắc bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh, không thể tự di chuyển, luôn phải có người dìu dắt hoặc chống nạng.
Đến từ những miền quê khác nhau, nhưng hai chàng trai quyết định sẽ đồng hành suốt 5 năm học trong căn phòng đặc biệt ở ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Nguyễn Đức Quân đỗ vào ngành Toán - Tin Đại học Bách khoa Hà Nội. Gia đình Quân đăng ký ở ký túc xá từ rất sớm. Nhà trường còn cho lắp thêm bình nước nóng, mua tủ lạnh, làm lối đi riêng cho xe lăn lên xuống, xây thêm bệ bếp, biến căn phòng trở nên tiện nghi, giúp sinh viên đặc biệt này sinh hoạt thuận lợi hơn.
Do không có điều kiện ở bên cạnh chăm sóc Quân mỗi ngày, bố mẹ em xin nhà trường cho người bác ruột là Trần Văn Nhuận (50 tuổi, Hải Phòng) cùng ở và chăm sóc cho em. Gia đình cũng xin trường chỉ sắp xếp 2 - 4 sinh viên trong phòng thay vì 8 -12 sinh viên như những phòng khác.
Trong khi đó, Minh và bố (Nguyễn Tất Mây, 46 tuổi, Thanh Hoá) cũng có nguyện vọng được vào ở ký túc xá để tiết kiệm chi phí sinh hoạt do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Thấu hiểu hoàn cảnh hai tân sinh viên, Trung tâm Quản lý ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội sắp xếp để gia đình các em ở cùng trong căn phòng đặc biệt.
Nơi kết nối 4 mảnh đời
Đều đặn một ngày hai lần, ông Mây đẩy xe lăn của Minh tới trường rồi cõng con lên giảng đường. Trong thời gian Minh học trên lớp, ông tất bật đi chợ, chuẩn bị bữa cơm cho cậu con trai và cả hai bác cháu Quân. Hết giờ ông lại đón Minh về.
Từ Triệu Sơn (Thanh Hóa) lên Hà Nội, ông Mây làm quen với nhịp sống thành thị. Với ông, mọi thứ đều nhẹ nhàng, trừ việc cõng con trai gần 40 kg lên cầu thang, bởi trước đó, ông bị gãy chân trong lúc làm thợ khai thác ở mỏ đá. Chân ông hiện vẫn còn cắm 18 đinh chỉnh hình.
Có hôm Minh học ở tầng 5, ông cõng đến tầng 3 phải đứng nghỉ một lúc mới có thể đi tiếp. Dù vậy, ông rất vui vì được đồng hành cùng con hàng ngày. Bố con được gần gũi, nói chuyện với nhau như khi ở nhà.
Minh được trường hỗ trợ tiền học, chỗ ở, nhưng cuộc sống đô thị với chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến ông Mây nghĩ đến chuyện tìm việc làm để có thêm trang trải. Hiện cả nhà bốn người phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương ít ỏi của vợ ông đang làm ở khu công nghiệp giày da.
Với ông Mây, gặp được gia đình Quân giống như cơ duyên. Hai bậc phụ huynh hàng ngày cùng cõng con tới trường, sau đó thay phiên nhau đi chợ, nấu cơm, giặt giũ.
Bác của Quân cũng chạc tuổi ông Mây. Hàng ngày, ông đảm trách việc đưa Quân đến trường, giúp Quân tắm rửa và di chuyển.
Quân không được phép đi một mình vì chỉ cần va chạm nhỏ là có thể gãy xương và nguy hiểm hơn là tính mạng bị đe doạ. Chưa kể, thể trạng sức khoẻ của Quân yếu hơn người bình thường rất nhiều, nên chỉ cần lơ là ăn uống hay không để ý thời tiết là em bị mắc bệnh ngay.
Lúc mới lên Hà Nội, ông Nhuận khá buồn vì không quen biết ai. Hàng ngày, lúc Quân và Minh đi học, hai ông bạn già trong phòng hết chơi cờ vua rồi lại nghêu ngao hát.
Do sức khoẻ không tốt, nên ông Nhuận không thể làm việc nặng nhọc. Tạm thời ông thay gia đình em gái mình chăm sóc Quân, nhưng về lâu dài, ông chưa biết sẽ đồng hành cùng cháu được đến bao giờ. Gia đình ông thu nhập kinh tế thấp, vợ cũng đang mất sức lao động thể nhẹ.
Cuộc sống của 4 người trong phòng ký túc xá cứ thế trôi đi. Bữa ăn không sơn hào hải vị, không mâm cao cỗ đầy, chỉ đơn giản là những món ăn dân dã, đạm bạc như cá kho, lạc rang, thịt, rau…, nhưng đó là mâm cơm của tình thương, của sự đùm bọc, sẻ chia.
Nghị lực của Minh và Quân
Trái ngược với lo lắng của bố mẹ sợ con xa nhà sẽ buồn, Quân cảm thấy môi trường đại học rất vui. Em quen nhiều bạn học mới và được tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, cờ vua… Em luôn giữ tinh thần lạc quan và khiếu hài hước.
Quân bị bệnh xương thuỷ tinh thể nhẹ. Ngay khi lọt lòng mẹ, em đã bị gãy tay trái, thể lực yếu, gào khóc ngày đêm không ngớt. Chưa đầy một tháng sau khi chào đời, Quân tiếp tục bị gãy xương đùi bên trái trong lúc thay quần áo. Cứ thế, tuổi thơ của Quân gắn với bệnh viện nhiều hơn là lớp học.
Đến 6 tuổi, tình trạng xương có phần cải thiện, Quân có thể đến trường cùng các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, bố mẹ luôn phải túc trực đưa đón em mỗi ngày. Trong lớp, em cũng hạn chế di chuyển ra khỏi bàn học, tránh vui đùa để không va chạm mạnh với các bạn.
Thay vì buồn rầu vì không thể chạy nhảy ngoài sân trường, ngay từ khi còn nhỏ, Quân đã tự sáng tạo ra những trò chơi để thu hút các bạn cùng lớp. Em quên đi mặc cảm khi các bạn ríu rít bên mình. Tuổi học trò của Quân cứ thế, thong dong trên yên xe máy cũ của mẹ, sáng đưa đi học, trưa đón về nhà ăn cơm, chiều lại tiếp tục tới trường. Thấu hiểu được sự vất vả, khó nhọc của bố mẹ, Quân luôn cố gắng, lấy kết quả học tập làm bố mẹ vui lòng.
Trong suốt 12 năm học, ngoài việc luôn đứng top đầu lớp, Quân sở hữu một bảng thành tích đáng nể với các giải thưởng môn Toán, tiếng Anh và cờ vua cấp thành phố. Năm lớp 12, Quân đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học cấp thành phố với đề tài: “Khai thác ứng dụng của Internet, xây dựng mô hình tự học môn toán nhằm phát triển năng lực sáng tạo và tư duy phản biện cho học sinh THPT”.
Đó cũng là lý do vì sao Quân quyết tâm thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội để viết tiếp ước mơ có thể trở thành kỹ sư máy tính, tin học trong tương lai. "Nghề này không phải di chuyển quá nhiều, công việc chủ yếu là các thao tác trên máy tính. Em tin bản thân mình phù hợp với nghề này. Em sẽ cố gắng sống tự lập để cho bố mẹ bớt những nỗi lo", nam sinh tâm sự.
Có phần e dè, nhút nhát hơn Quân, em Nguyễn Tất Minh bị liệt hai chân và tay phải ngay từ khi mới sinh ra. Càng lớn, Minh càng ý thức rõ về những khiếm khuyết của bản thân, luôn thu mình, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh. Biết bao lần Minh khóc, nước mắt ướt đẫm gối vì ánh mắt kì thị của mọi người. Nhưng ẩn sâu trong em là tinh thần học tập mãnh liệt, quyết không đầu hàng số phận.
Suốt những năm học phổ thông, Minh được Ngô Văn Hiếu tình nguyện làm đôi chân cõng tới trường. Minh gặt hái nhiều thành tích cao trong học tập, là một trong những học sinh giỏi của lớp. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017- 2018, mặc dù thuộc diện đặc cách vào trường, nhưng em vẫn tình nguyện thi và là 1 trong 5 học sinh có số điểm thi đầu vào cao nhất trường THPT Triệu Sơn 5 (Thanh Hoá).
Chia sẻ về người bạn cùng phòng ký túc xá, Minh cảm nhận Quân là người lạc quan, dù cơ thể có khiếm khuyết nhưng dù trong hoàn cảnh nào, Quân luôn truyền cho người đối diện một năng lượng tích cực.
“Từ khi ở cùng phòng với Quân, em cười nhiều hơn và mở rộng lòng mình hơn. Em thấy mình thật may mắn vì học phổ thông có Hiếu đồng hành và giờ lên đại học có Quân giúp đỡ”, nam sinh chia sẻ.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét, Minh và Quân là hai sinh viên có nỗ lực học tập phi thường khiến người khác phải nể phục. Để động viên hai em, nhà trường đã có cơ chế miễn toàn bộ học phí và kêu gọi một số quỹ từ thiện của hội cựu sinh viên, doanh nghiệp tài trợ học bổng.
Thầy Thắng kỳ vọng, hai sinh viên này sẽ tiếp tục thắp lửa đam mê của mình để trở thành những kỹ sư công nghệ thông tin trong tương lai.
Bình luận