Từ chiều tối 30 Tết, những đoạn clip tiểu thương phá hoa, chặt đào, chặt quất xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Tôi vẫn nhớ, cách đây mấy năm, khi lần đầu tiên xem đoạn clip ghi lại hình ảnh tiểu thương bất lực phá bỏ những chậu hoa cảnh ngày cuối năm thấy sao mà xót xa đến vậy.
Rồi người ta bảo nhau, đừng chờ đến 30 Tết mới sắm hoa, hãy mua sớm, đắt một chút cũng được để tiểu thương không rơi vào hoàn cảnh đáng buồn kia. Những bài viết như vậy nhận được sự ủng hộ lớn của nhiều người.
Thế là tôi chột dạ! Xưa nay tôi toàn 29, 30 Tết mới sắm quất, sắm đào. Nhưng lương ba cọc ba đồng, tiền đâu mà mua những cành đào, cây quất cả triệu bạc. Chưa kể mua sớm quá, nóng thì hoa nở hết, Tết đến lại trơ cành, tiền đâu để mua tiếp? Quất cũng vậy, mua sớm quá lỡ may mà nó héo thì có phải hỏng không?
Thế nên, với những người có thu nhập trung bình, mua sát Tết, giá vừa rẻ lại vừa đảm bảo được độ tươi, độ nở của hoa và cây cảnh. Còn muốn xót xa cũng phải có điều kiện chứ thu nhập như tôi mà muốn xót thì khéo người khác lại phải xót xa thay.
Cùng là cây quất, dáng dấp cũng na ná như nhau, chơi sớm hơn vài ngày đắt gấp đôi gấp ba thì thôi, tôi cứ chờ 30 Tết mua cho rẻ! Thuận mua vừa bán, cái đầu hầu cái cuối, đó là quy luật của dân buôn. Người mua ngày 29, 30 sao có nhiều lựa chọn bằng những người mua sớm.
Tiểu thương thì cũng là dân làm ăn, đầu óc họ tính toán chắc chắn giỏi hơn ta. Nếu lỗ nhiều thì năm sau khỏi buôn chứ sao lại cứ buôn rồi than dân trả rẻ quá không bán mà đi đập phá chẳng chút thương xót?
Nếu có xót, hãy xót xa cho những bông hoa, cây quất, hãy xót xa cho những người nông dân đã vất vả chăm bẵm nó cả năm, một nắng hai sương để có được những chậu cây đến tay người tiêu dùng chứ không phải xót cho những kẻ đập phá nó trong cơn nóng giận!
Độc giả có đồng tình với quan điểm trên?
Bình luận