Theo ông Simon Smith, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Savills Châu Á - Thái Bình Dương, thị trường BĐS châu Á - Thái Bình Dương phát triển nhanh chóng và vô cùng đa dạng. Các chu kỳ khác nhau đang tạo ra nhóm rủi ro và cơ hội khác nhau, trong khi sự xuất hiện của các loại hình tài sản mới đang cung cấp cho giới đầu tư rất nhiều lựa chọn và chiến lược kinh doanh mới.
Trong đó, Việt Nam đang trở thành một điểm sáng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và kết cấu dân số trẻ. Mặc dù vậy, các loại hình tài sản có thể đầu tư được vẫn khá khan hiếm. Các rào cản về hành chính đang lần lượt làm giảm thanh khoản và trì hoãn tiến độ phát triển. Tuy nhiên về lâu dài, điều này sẽ thiết lập hệ thống quản trị hợp lý và môi trường kinh doanh tốt hơn, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư.
Còn theo ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, thị trường ghi nhận nguồn cầu lớn ở tất các các mảng từ nhà đầu tư trong khu vực do biên độ lợi nhuận hấp dẫn có thể đạt được tại Việt Nam trong bối cảnh các thị trường khác đang không đạt kỳ vọng. Trong đó, số lượng các nhà đầu tư ở mảng công nghiệp và logistics tăng mạnh. Đây cũng là mảng thị trường kỳ vọng sẽ có nhiều hơn giao dịch thành công trong năm 2020. Các mảng BĐS truyền thống như văn phòng và nhà ở sẽ tiếp tục ghi nhận nguồn cầu hạn chế. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư có khả năng tham gia thị trường, biên độ lợi nhuận kỳ vọng sẽ rất hấp dẫn.
Bên cạnh Việt Nam, Ấn Độ - nơi có dân số được dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc trong vòng 5 năm tới - mang đến cơ hội đầu tư dài hạn hơn. Chính phủ Ấn Độ đã có biện pháp thúc đẩy nền kinh tế bằng cách giảm thuế doanh nghiệp và tái cấp vốn cho các ngân hàng, ngân hàng Trung ương hạ lãi suất chuẩn 5 lần trong năm 2019. Những biện pháp này sẽ thúc đẩy nhu cầu thuê đối với các loại hình tài sản truyền thống như văn phòng, song song đó là những cơ hội thực sự trong lựa chọn thay thế.
Trong khi đó, Australia đang trải qua những vụ cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử. Thiệt hại hiện tại đối với các doanh nghiệp dự kiến tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với GDP nước này, chủ yếu là do sự sụt giảm trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư cá nhân và du lịch, mặc dù được bù đắp phần nào bởi viện trợ của Chính phủ và quyên góp mà trước đây chưa từng có. Thị trường tài chính tăng kỳ vọng về mức giảm lãi suất, nhưng những điều này đã ở mức thấp trong lịch sử và có nhiều nghi ngờ về những tác động tích cực của nó đến nền kinh tế nói chung.
Ở cấp độ khu vực, những bất ổn vẫn kéo dài trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa các nước, các mối quan hệ thương mại của Mỹ và sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế. Từ đó, mức độ rủi ro đối với các quốc gia trong khu vực vào năm 2020 dự đoán sẽ ngày càng tăng cao, đặc biệt là các nền kinh tế hướng tới xuất khẩu, vì giới đầu tư vẫn có xu hướng đầu tư vào thị trường BĐS hơn là đối mặt với những rủi ro như vậy.
Bình luận