Ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử đây là dự án hết sức quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
"Nếu xây dựng được hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra đến lúc mất đi. Đây là điều vô cùng có lợi, rất tốt cho công tác quản lý.
Khi đó, khi đến khám bệnh, bác sĩ chỉ bấm mã là đã có dữ liệu từ nhóm máu, đến những bệnh tật đã mắc, thậm chí có cả dữ liệu về dị ứng với những loại thuốc gì", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, sau khi xây dựng xong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân cũng có tiện lợi khi đến cơ sở y tế khám chữa bệnh không phải mang theo bệnh án dày cộp mà đôi khi bệnh án dày cũng vẫn thiếu thông tin quan trọng.
Ông Trần Quý Tường, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho biết để thực hiện đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Y tế cho biết đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An tham gia vào đề án Y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020.
Theo ông Tường, một trong những nhiệm vụ của đề án này, nhiệm vụ quan trọng là xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử.
Ông Tường cho biết việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội VN để tạo lập mã số định danh và hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng cá nhân.
Hồ sơ sức khỏe điện tử được tạo thành từ nhiều nguồn thông tin, dữ liệu khác nhau bao gồm thông tin-dữ liệu từ các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ, nhà thuốc, phòng xét nghiệm.
Thông tin này sẽ giúp các chuyên gia y tế có đầy đủ thông tin trong quá trình khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Video: Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị công an cắm chốt tại bệnh viện, ngăn chặn côn đồ hành hung
Bình luận