• Zalo

Mỹ và Trung Quốc đang sử dụng 'luật chơi' khác nhau trong cuộc chiến thương mại

Thế giớiThứ Năm, 23/08/2018 16:14:00 +07:00Google News

Các chuyên gia quan sát mối quan hệ Mỹ - Trung thời gian gần đây cho rằng sự khác biệt trong hệ thống kinh tế và cách hiểu về tăng thuế nhập khẩu của hai nước khác nhau sẽ khiến cuộc chiến thương mại lâm vào bế tắc kéo dài.

Theo The Wall Street Journal, đối thoại thương mại cấp trung giữa hai thứ trưởng tài chính và thương mại Mỹ - Trung tổ chức tại Washington với hy vọng hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới có thể kết thúc tình hình căng thẳng hiện nay. 

Dù vậy, một cựu quan chức thương mại Mỹ cho rằng cuộc đối thoại có thể không mang lại kết quả gì đáng kể bởi hệ thống kinh tế của hai nước “không tương thích” với nhau, hay nói cách khác họ đang sử dụng những “luật chơi kinh tế khác nhau”.

us-china-7

Hệ thống kinh tế của Mỹ và Trung Quốc không tương thích với nhau. (Ảnh: SCMP) 

“Tương tác kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc giống như một trận bóng giữa người thắng giải Super Bowl (bóng bầu dục) Mỹ và giải World Cup (bóng đá)” chuyên gia Timothy Stratford – cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn.

Theo ông, hai “đội” này hình dung về những cách chơi rất khác nhau, và mỗi đội đều có một lối tiếp cận và kĩ năng khác nhau để di chuyển bóng trên sân.

“Tranh cãi về việc ai đang chơi đúng luật và ai đang phá luật vào thời điểm hiện tại sẽ không đạt được gì. Nhưng nếu cả hai đội không ai muốn đổi cách chơi của mình, thì hoặc bạn phải ngừng chơi với nhau hoặc phải đề ra luật mới giảm thiệt hại mà mỗi bên đang gây ra.”

Các công ty đa quốc gia có hoạt động với Mỹ hoặc Trung Quốc cũng bị vướng vào giữa cuộc chiến thương mại này, chính thức bắt đầu từ ngày 6/7 khi hai nước áp đặt 25% thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Họ bắt đầu điều chỉnh chuỗi cung ứng hoặc kế hoạch đầu tư, dù cái giá lâu dài và những yếu tố chưa lường trước được của xung đột thương mại vẫn kéo dài.

“Tình thế bế tắc hiện tại khiến các công ty, doanh nghiệp của cả hai nước phải suy nghĩ lại về kế hoạch đầu tư để giảm nguy cơ thiệt hại ở mức thấp nhất” – ông Stratford nói. Kết quả cho tới thời điểm này đó là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị chia rẽ, ông này nói thêm. 

102461428-US_china_chess

Mỹ và Trung Quốc đang có những cách hình dung về luật chơi khác nhau. (Ảnh minh họa) 

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng khả năng lớn bế tắc sẽ còn kéo dài vì hai nước không chỉ khác nhau về vị trí kinh tế và thương mại, mà còn thiếu sự sẵn sàng đàm phán để thu hẹp khoảng cách.

Trung Quốc đã từ chối khi Mỹ yêu cầu nước này chỉnh sửa mô hình kinh tế do nhà nước bảo trợ, đặc biệt là trong đại kế hoạch phát triển công nghệ "Made in China 2025". Trung Quốc nói đang bảo vệ quyền độc lập phát triển của mình và cáo buộc Mỹ sử dụng chiến tranh thương mại như một chiến thuật để kìm hãm họ.

Trong khi đó, Mỹ bất mãn lên tiếng chỉ trích sự “méo mó” và cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường khi mà các đối thủ nội địa được mô hình kinh tế nhà nước bảo trợ.

“Trung Quốc có vẻ như sẽ không sẵn sàng thay đổi những yếu tố căn cốt của nền kinh tế khi những yếu tố này đã tỏ ra hiệu quả từ cái nhìn của họ. Điều này cho thấy bế tắc sẽ tiếp tục và các lệnh thuế quan hoặc trừng phạt tiếp theo vẫn có thể được hai bên áp đặt.” - chuyên gia nói.

Video: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra thế nào?

Trong tương lai, Trung Quốc có thể thấy vì môi trường bên ngoài thay đổi nên hệ thống của họ đã không còn hiệu quả như quá khứ. Nhưng hiện tại, trừ khi Mỹ quyết định chấp nhận mô hình kinh tế của Trung Quốc một cách cởi mở hơn, nếu không cả hai bên sẽ phải nghĩ cách cùng tồn tại và hợp tác khi chơi những luật khác nhau trên cùng một sân chơi.

Vì vậy, ông Stratford nhận định mục tiêu thực tiễn của cuộc đối thoại sẽ không phải để hai nước đạt đến một thỏa thuận mà để hiểu nhau hơn và vạch ra con đường hợp lý giải quyết mâu thuẫn, nhất là khi Mỹ không ở trong tình thế vội vã thỏa thuận và Bắc Kinh cũng chưa sẵn sàng đưa ra lời đề nghị nào đáng kể vì cần thời gian đánh giá các tác động kinh tế và chính trị lên cả hai bên.

Các nhà quan sát cũng lưu ý rằng cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lan rộng sang mặt trận địa chính trị, khiến giải pháp kinh tế trở nên phức tạp. “Các vấn đề địa chính trị ngày càng khó tách bạch khỏi kinh tế và điều này khiến hợp tác kinh tế trở nên phức tạp hơn, khi nhiều công nghệ có cả ứng dụng dân sự và quân sự như chất bán dẫn, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo có vai trò quan trọng trong nhiều ngành khác nhau. Tác động lên an ninh quốc gia phải được cả hai nước cân nhắc." - chuyên gia cho biết.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn