• Zalo

Mỹ phản ứng về bế tắc cản trở Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Thời sự quốc tếThứ Hai, 30/01/2023 16:21:00 +07:00Google News

Mỹ cho biết ủng hộ mạnh mẽ tư cách thành viên của hai nước Bắc Âu, nhưng mặt khác, họ với Thổ Nhĩ Kỳ nên tự giải quyết những bất đồng.

Theo nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby mới đây kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan tiếp tục hợp tác giải quyết bất đồng về việc gia nhập NATO của các nước Bắc Âu này.

"Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hợp tác với cả Thụy Điển và Phần Lan để giải quyết những lo ngại của các bên liên quan để 2 nước Bắc Âu có thể gia nhập NATO càng sớm càng tốt", ông Kirby nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.

Lưu ý rằng Washington hiểu những lo ngại của Ankara về tư cách thành viên NATO của các nước Bắc Âu trên, ông Kirby cho biết Mỹ ủng hộ mạnh mẽ tư cách thành viên của họ, nhưng mặt khác, ba nước nên tự giải quyết những bất đồng.

Mỹ phản ứng về bế tắc cản trở Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO - 1

Ông John Kirby trong một buổi họp báo tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

Cơ chế ba bên giữa ba nước đã bị đình chỉ vô thời hạn sau khi Thụy Điển cho phép một chính trị gia cực hữu đốt kinh Koran trước Đại sứ quán của Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Ba nước dự kiến sẽ khôi phục lại các cuộc đàm phán, vốn được bắt đầu từ tháng 8/2022, vào tháng 2 tới.

Căng thẳng đã leo thang trong những tuần gần đây, khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Thụy Điển vì đã cho phép những người ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố, tổ chức các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi chính thức đăng ký tư cách thành viên NATO vào tháng 5/2022, được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, Thụy Điển và Phần Lan đã nỗ lực và tìm cách để được Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý gia nhập Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang phản đối việc gia nhập của họ với lý do lo ngại về an ninh, cụ thể là "chứa chấp và dung túng cho các nhóm khủng bố như PKK".

Một biên bản ghi nhớ (MoU) mà các bên đã ký tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid quy định rằng hai nước sẽ thực hiện các bước cụ thể để giải quyết những lo ngại nói trên, tăng cường trấn áp các tổ chức khủng bố và trục xuất những người bị tình nghi phạm tội liên quan đến khủng bố.

Tuy nhiên, trong tháng trước, sự ủng hộ của công chúng ở Thụy Điển dành cho PKK đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước, những hành động mà Ankara đã nhiều lần cảnh báo sẽ gây nguy hiểm cho quá trình trở thành thành viên NATO của Stockholm.

Trong khi đó ngày 28/1, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết tiến trình xin gia nhập NATO của nước này đã tạm dừng. Ông Billstrom nêu rõ Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã nỗ lực trong những tuần qua để giải quyết những vấn đề căng thẳng liên quan và điều này cần một thời gian để vấn đề lắng xuống.

(Nguồn: Báo Tin tức/Sabah)
Bình luận
vtcnews.vn