Vấn đề Biển Đông được làm nóng bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Manila, Philippines ngày 18/11.
Bỏ qua những lời kêu gọi khu vực tập trung vào các mối quan hệ kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bỏ qua yêu cầu của Trung Quốc về việc không đưa vấn đề Biển Đông ra APEC, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa kêu gọi tăng cường các bước làm giảm căng thẳng hơn nữa giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại diện thương mại Mỹ Michael Froman tại buổi họp của lãnh đạo các nước tham gia TPP ngày 18/11 |
Theo AFP, ông Obama nhấn mạnh những bước này bao gồm cả “cam kết ngừng xây dựng, bồi đắp đảo thêm, xây dựng mới và quân sự hóa ở khu vực Biển Đông”.
Mỹ cam kết
bảo vệ đồng minh
“Chúng tôi thảo luận về sự ảnh hưởng của các hoạt động xây dựng và bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc thực hiện đối với sự ổn định của khu vực” - Tổng thống Obama khẳng định với báo giới sau cuộc gặp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua.
Bắc Kinh ngay sau đó phản ứng rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama không nên dính vào những tranh chấp ở Biển Đông.
“Mỹ nên ngưng việc xen vào vấn đề Biển Đông, dừng làm căng thẳng leo thang trong khu vực và làm phức tạp hóa những tranh chấp ở Biển Đông.
Không nước nào có quyền chỉ tay vào các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở khu vực này”, truyền thông Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi.
Tờ Nhật Báo Trung Quốc còn cáo buộc Mỹ đang có ý “xúi giục” các quốc gia Đông Nam Á thách thức chủ quyền biển của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Những hành động khiêu khích gần đây của Washington đã xâm phạm chủ quyền biển của Bắc Kinh và an ninh ở Biển Đông” - tờ báo viết.
Trong bài diễn văn tại diễn đàn doanh nghiệp diễn ra trước khi khai mạc APEC, ông Tập Cận Bình dù không đề cập vấn đề Biển Đông nhưng đã kêu gọi các quốc gia Thái Bình Dương “giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn”.
Trong chuyến thăm Manila lần này, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ chuyển cho hải quân Philippines hai tàu chiến, đẩy mạnh khả năng tuần tra của Philippines ở khu vực Biển Đông.
Tờ Daily Inquirer dẫn lời ông Obama nhấn mạnh Mỹ bảo vệ Philippines và các đồng minh khác, cũng như đưa ra cam kết thúc đẩy các mối quan hệ quân sự hơn nữa thông qua những thỏa thuận hợp tác quốc phòng.
Song Tổng thống Obama cũng kêu gọi cần giải quyết những tranh chấp lãnh hải theo luật quốc tế nhằm tránh để Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ trong khu vực bị lôi vào những xung đột với Trung Quốc.
Các nước
ký TPP nhóm họp
Theo TTXVN, bên lề APEC, lãnh đạo 12 quốc gia ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lần 6 đã nhóm họp, thảo luận về tiến triển của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy phê chuẩn TPP cũng như một số thách thức và cơ hội từ hiệp định này.
Đây là lần gặp lại nhau đầu tiên kể từ khi kết thúc đàm phán tại Atlanta (Mỹ) hồi tháng 10. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự cuộc họp.
Tại phiên khai mạc, Tổng thống Obama đánh giá cao quyết tâm chung và nỗ lực vượt bậc của tất cả thành viên kết thúc thành công TPP lịch sử sau hơn năm năm đàm phán.
Tổng thống Obama nhấn mạnh đây không chỉ là thành quả to lớn, thể hiện tầm nhìn chung của 12 quốc gia TPP mà còn đối với tương lai của khu vực, góp phần xác định các quy tắc thương mại của châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới.
Các nhà lãnh đạo khẳng định cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình ký kết, phê chuẩn và sớm đưa TPP đi vào thực thi để người tiêu dùng, người lao động, nông dân và doanh nghiệp ở các quốc gia thành viên có thể hiện thực hóa các lợi ích chung mà TPP mang lại.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định hoàn tất TPP cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là những dấu mốc có ý nghĩa to lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng, liên kết khu vực, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết và tăng trưởng bền vững, bao trùm của APEC và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước cho rằng việc thực thi hiệp định sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là đối với các thành viên đang phát triển.
Đồng thời đề nghị các thành viên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau để bảo đảm sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi TPP đúng lộ trình.
Để đạt được mục tiêu chung này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các thành viên cần tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, quan tâm thỏa đáng đến thực tiễn và sự đa dạng về trình độ phát triển của các nước TPP, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thực thi để bảo đảm người dân ở các quốc gia thành viên đang phát triển có thể được hưởng lợi từ TPP.
Chủ tịch nước nhấn mạnh việc TPP ngày càng nhận được sự quan tâm của các đối tác ở khu vực là tiền đề thuận lợi hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương, góp phần làm gia tăng tính hấp dẫn và ý nghĩa của TPP đối với tiến trình liên kết khu vực trong giai đoạn mới.
Kết thúc cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã thông qua tuyên bố chung, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của 12 quốc gia thành viên cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình ký kết, phê chuẩn ở mỗi nước để sớm đưa TPP đi vào thực thi.
Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận