• Zalo

Mỹ mở rộng lá chắn tên lửa ở châu Á

Thế giớiThứ Sáu, 26/10/2012 09:14:00 +07:00Google News

Washington đang bàn thảo với Seoul về việc đưa nước này vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu ở châu Á của Mỹ trước các mối đe dọa liên tiếp từ Bình Nhưỡng.

Washington đang bàn thảo với Seoul về việc đưa nước này vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu ở châu Á của Mỹ trước các mối đe dọa liên tiếp từ Bình Nhưỡng.

Như để minh họa cho mối quan hệ mới này, ngày 25/10 Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận mang tên Hoguk với quy mô mở rộng nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng giữa lúc hai bên đang căng thẳng cao độ.

Cuộc tập trận kéo dài một tuần với sự tham gia của 240.000 quân của ba lực lượng hải lục không quân và thủy quân lục chiến cùng 500 quân Mỹ.

Ngày 25/10, chỉ huy tàu sân bay USS George Washington Gregory Fenton nhấn mạnh sự hiện diện của hải quân Mỹ ở châu Á giúp bảo vệ sự tự do đi lại trên biển. Trong ảnh: tàu USS George Washington đậu tại vịnh Manila (Philippines) ngày 24/10 - Ảnh: Reuters 

Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận là nhằm “chuẩn bị cho sự khiêu khích từ Triều Tiên và một cuộc chiến toàn diện sau khi cân nhắc tình hình an ninh trong thời gian gần đây”.

Bình Nhưỡng trước đó đã mạnh mẽ lên án đây là dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và Hàn Quốc.

Đưa Hàn Quốc vào lá chắn tên lửa toàn cầu

Trước đó, trong cuộc gặp gỡ tại Washington ngày 24/10, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan Jin đã nhấn mạnh CHDCND Triều Tiên vẫn là “mối đe dọa nghiêm trọng”. Theo Yonhap, hai bên đã nhất trí xác định các mối đe dọa cụ thể và vạch ra các chiến lược ngăn chặn.

Phát biểu sau cuộc gặp, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta khẳng định Washington sẽ tiếp tục mở rộng lá chắn tên lửa toàn cầu ở châu Á, bao gồm cả Hàn Quốc, nhằm chống lại nguy cơ tên lửa từ Triều Tiên. Cách thức hợp tác sẽ được Seoul và Washington cùng bàn thảo kỹ.


Hệ thống phòng thủ tên lửa lâu nay là một vấn đề “nhạy cảm” ở Hàn Quốc. Các nhà quan sát cho rằng đây có thể là điểm ngăn trở quan hệ đồng minh với Mỹ của Hàn Quốc.

Theo Yonhap, các đảng đối lập luôn cáo buộc Mỹ là ép Hàn Quốc tham gia mạng lưới lá chắn tên lửa của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á.

Nghi ngờ này càng tăng lên sau khi Mỹ và Hàn Quốc thỏa thuận tăng gấp ba lần tầm bắn tên lửa đạn đạo lên mức 800km.


Để trấn an dư luận này, quân đội Hàn Quốc đã khẳng định Seoul đang theo đuổi hệ thống phòng thủ tên lửa riêng. Bộ trưởng quốc phòng Kim Kwan Jin cũng nhấn mạnh để củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa riêng này, Hàn Quốc sẽ thiết lập một “chuỗi tiêu diệt” để phát hiện và tiêu diệt tên lửa đạn đạo có tầm bắn đến Hàn Quốc, Nhật và đảo Guam của Mỹ như Bình Nhưỡng tuyên bố.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Hàn Quốc trước tiên phải tăng cường khả năng quốc phòng ở tầm thấp và hai nước vẫn sẽ có thể hợp tác khi thực hiện các chiến dịch chung, trong đó có việc sử dụng hệ thống giám sát chủ yếu dựa trên thông tin tình báo do phía Mỹ cung cấp.


Cùng lúc, Mỹ cũng sắp triển khai hệ thống rađa TPY-2 ở Nhật để đối phó với các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với những người bạn trong khu vực để phát triển hơn nữa khả năng này” - ông Panetta nhấn mạnh.

Vào tháng 9, Washington và Tokyo đã đạt được thỏa thuận về việc triển khai hệ thống rađa phòng thủ tên lửa này ở Nhật. Washington khẳng định hệ thống này không nhằm vào Trung Quốc.

Nhưng theo Moscow Times, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba khi đó đã cảnh báo nếu Trung Quốc tấn công quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ sẽ coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản theo Hiệp ước hợp tác an ninh Mỹ - Nhật năm 1960.


Mỹ, Hàn Quốc theo dõi tên lửa Triều Tiên

Cũng sau cuộc gặp, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta cho biết hai nước nhất trí theo dõi chặt chẽ bất kỳ động thái nào từ CHDCND Triều Tiên.


“Chúng tôi sẽ cung cấp lực lượng và các khả năng quân sự cần thiết để duy trì an ninh trên bán đảo Triều Tiên - ông Panetta nhấn mạnh - Các hành động gây hấn hay khiêu khích quân sự sẽ không được dung thứ”.

Mỹ hiện có gần 30.000 quân ở Hàn Quốc. Theo AP, phía Mỹ cũng tái xác nhận tiếp tục duy trì số quân này ở Hàn Quốc và sẽ nhanh chóng tăng thêm trong trường hợp bất trắc.

Vào đầu tháng này, Bình Nhưỡng đã cảnh báo đang sở hữu những tên lửa có khả năng bắn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và cả lãnh thổ Mỹ.

TheoViệt Phương/ Tuổi Trẻ

Bình luận
vtcnews.vn