Mỹ mất cả thập kỷ đóng 20 khinh hạm, khó lòng đuổi kịp hải quân Trung Quốc

Quân sựThứ Hai, 15/11/2021 18:45:00 +07:00
(VTC News) -

Chính quyền Tổng thống Biden kỳ vọng có thể sẽ đưa vào trang bị thêm ít nhất 20 khinh hạm mới trong 10 năm tới, tuy nhiên chừng đó là chưa đủ.

Trong một bài phân tích mới đây trên tờ Forbes, cây bút David Axe cho rằng hải quân Mỹ không có nhiều lựa chọn để bổ sung nhanh số tàu chiến còn thiếu trong hạm đội, nhằm bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc.

Một trong những lựa chọn rõ ràng nhất là đẩy nhanh chương trình đóng các tàu khinh hạm tiên tiến lớp Constellation hay chương trình khinh hạm mang tên lửa dẫn đường thế hệ mới FFG (X), gần như mọi bước chuẩn bị cho kế hoạch mua sắm tàu chiến mới đã sẵn sàng với chiếc đầu tiên đã được khởi đóng vào mùa hè 2021.

Tuy nhiên, David Axe cũng đưa lo ngại về việc chương trình Constellation đang diễn ra quá nhanh dẫn đến những rủi ro nhất định và nó có thể phản tác dụng. Điều này từng xảy ra trước đây đối với chương trình tàu khu trục mang tên lửa Arleigh Burke.

Mỹ mất cả thập kỷ đóng 20 khinh hạm, khó lòng đuổi kịp hải quân Trung Quốc - 1

USS Constellation (FFG-62) - chiếc đầu tiên của lớp khinh hạm Constellation. (Ảnh: news.usni)

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu đưa vào biên chế 20 khinh hạm lớp Constellation trong 10 năm tới, con số được đề xuất dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump lên đến 50 tàu. Như vậy trung bình mỗi năm, nước Mỹ chỉ có thể đóng được 4 chiếc Constellation, và họ có vẻ đang chậm tiến độ khi tàu Constellation đầu tiên chỉ mới được khởi đóng vào giữa năm 2021 (kế hoạch ban đầu là giữa năm 2020).

Hiện tại, hải quân Mỹ đã thanh khoản trước một phần hợp đồng đóng các tàu Constellation cho hãng Fincantieri Marinette Marine, giá trị hai cặp khinh hạm đầu tiên của lớp ước tính vào khoảng 1,3 tỷ USD.

Quay lại với kế hoạch trước đó của hải quân Mỹ, các dự báo ban đầu cho rằng nước này cần thêm ít nhất 50 tàu chiến mới để bắt kịp đà mở rộng hạm đội của Trung Quốc. Tuy nhiên có một vấn đề được đặt ra là Marinette Marine không đủ cơ sở hạ tầng để đóng cùng lúc nhiều tàu chiến.

Đó là một thực tế khá cay đắng, không chỉ Marinette Marine mà nhiều công ty đóng tàu hải quân của Mỹ cũng trong tình trạng tương tự. Chính vì vậy, Lầu Năm Góc đã cân nhắc đến việc mở thầu cho các công ty khác tham gia vào chương trình Constellation để đẩy nhanh tiến độ, một số cái tên được đề cập tới gồm Austal ở Alabama, Bath Iron Works ở Maine và Huntington Ingalls ở Mississippi.

Về cơ bản các công ty trên đều từng tham gia dự thầu chương trình Constellation với các thiết kế khác nhau.

Mỹ mất cả thập kỷ đóng 20 khinh hạm, khó lòng đuổi kịp hải quân Trung Quốc - 2

Năng lực của Marinette Marine chỉ có thể đóng được cùng từ 2-3 tàu chiến, tuy nhiên quá trình đóng mới sẽ diễn ra khá chậm ở các đầu tiên do vấn đề kỹ thuật. (Ảnh: Marinette Marine)

Theo chuyên gia về hải quân Jerry Hendrix cho biết, việc quá nhiều nhà thầu tham gia vào chương trình Constellation có thể làm nảy sinh thêm những khó khăn khác, không nên quá sốt sắng trong vấn đề này trong những năm đầu của chương trình.

Hendrix lập luận rằng, với những tàu đầu tiên của một lớp tàu chiến thường có sự sửa đổi trong thiết kế nhằm khắc phục một số lỗi phát sinh trong quá trình đóng tàu, quá trình này mất rất nhiều thời gian lẫn tiền bạc. Do đó tốt hơn hết nên để một nhà thầu duy nhất thực hiện việc đóng các tàu đầu tiên sau đó xâu dựng một bản thiết kế chuẩn cho các nhà thầu phụ nếu chương trình được mở rộng.

Nhanh quá cũng không tốt

Dẫn chứng cho lặp luận của mình, Hendrix đưa ra những vấn đề hải quân Mỹ từng mắc phải trong quá trình đóng mới cặp tàu khu trục Arleigh Burke đầu tiên, với chiếc USS Arleigh Burke (DDG-51) được đóng tại Bath Iron Works và USS Barry (DDG-52) tại Ingalls. Cả hai đều được khởi đóng trong năm 1989.

Việc đóng hai con tàu trên ở hai nhà máy khác nhau đã nảy sinh những vấn đề nhất định và cả hai nhà thầu đều có hướng đi riêng nhằm đáp ứng tiến độ được hải quân Mỹ đưa ra.

Quá trình đóng USS Arleigh Burke gặp vấn đề vào năm 1992, bởi việc sửa đổi thiết kế khiến khối lượng công việc trở nên nhiều hơn buộc Bath Iron Works phải tăng thêm số công nhân để bắt kịp tiến độ, đó là chưa kể đến những thay đổi về mặt kỹ thuật kiến công việc bị đình trệ. Điều này đã đẩy giá của USS Arleigh Burke ban đầu từ 700 triệu USD lên đến 1,2 tỷ USD (tính theo thời giá hiện tại).

Việc bội chi thêm gần 500 triệu USD khiến các nghị sĩ Mỹ gọi chương trình Arleigh Burke là "cơn ác mộng mua sắm".

Mỹ mất cả thập kỷ đóng 20 khinh hạm, khó lòng đuổi kịp hải quân Trung Quốc - 3

Hải quân Mỹ từng khốn đốn khi cho quá nhiều nhà thầu tham gia vào chương trình Arleigh Burke. (Ảnh: Ingalls Industries)

Giống như USS Arleigh Burke, hãng Ingalls cũng gặp những vấn đề tương tự với USS Barry, khiến chi phí đóng con tàu này tăng lên chóng mặt. Theo lý giải trong các báo cáo của hải quân Mỹ sau đó, việc ngân sách cho mỗi chiếc Arleigh Burke bị đẩy lên xuất phát từ chính Bath Iron Works khi công ty này không sớm gửi các sửa đổi trong thiết kế trong quá trình đóng tàu, khiến cả hai tàu đều chậm tiến độ.

Hendrix cho rằng, để tránh những sai lầm mà hải quân Mỹ đã mắc phải với Arleigh Burke, ba tàu khinh hạm lớp Constellation nên được đóng ở Marinette Marine để đảm bảo có một thiết kế hoàn chỉnh cho các tàu sau này. Điều này sẽ giúp hải quân Mỹ tiết kiệm ngân sách và đóng nhanh hơn các tàu kế tiếp.

Chuyên gia quân sự này cũng nhấn mạnh, hải quân Mỹ nên kiên nhẫn nếu muốn đạt được mục tiêu mở rộng hạm đội vào năm 2030, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa họ và hải quân Trung Quốc trong thập kỷ tiếp theo. Mục tiêu có được 4 tàu khinh hạm mới trong một năm hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp