• Zalo

Dàn tàu chiến giúp Trung Quốc trở thành siêu cường hải quân ở Thái Bình Dương

Quân sựThứ Tư, 10/11/2021 07:42:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với 355 tàu chiến các loại, vượt cả Mỹ.

Theo National Interest, cùng với kế hoạch hiện đại hóa quân đội từ đầu những năm 2000, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp hàng hải, cụ thể hơn là đóng tàu. Đây là tiền đề quan trọng giúp hải quân Trung Quốc có bước ngoặt chuyển mình sau nhiều thập kỷ.

Một báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc cho biết, quy mô hạm đội tàu chiến của Bắc Kinh đã đạt tới con số 355 chiếc, trong khi đó của Mỹ chỉ hơn 300 tàu. Điều này phản ảnh rõ tốc độ biên chế tàu chiến mới của hải quân Trung Quốc trong suốt một thập kỷ trở lại gần đây.

Cũng dựa trên báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang là quốc gia có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính theo số lượng tàu chiến.

Theo Kyle Mizokami – cây bút của National Interest nhận định, với quy mô của hải quân Trung Quốc hiện tại, họ đã vượt mặt lực lượng hải quân Mỹ đang hiện diện ở Thái Bình Dương, điều này về cơ bản đảm bảo cho vị thế của Bắc Kinh trước sức ép quân sự ngày càng lớn từ Washington.

Sẽ không hề nói quá khi cho rằng Trung Quốc đã trở thành một siêu cường hải quân ở châu Á – Thái Bình Dương. Dưới đây là các lớp tàu chiến đã tạo nên sức mạnh của hải quân Trung Quốc.

90 ngày đóng một tàu hộ vệ tên lửa

Dàn tàu chiến giúp Trung Quốc trở thành siêu cường hải quân ở Thái Bình Dương - 1

Type 056 lớp tàu chiến chủ lực của hải quân Trung Quốc. (Ảnh: reddit)

Dù sở hữu lực lượng tàu chiến đa dạng, bao gồm 2 lớp khinh hạm, 6 lớp khu trục hạm, 3 tàu sân bay và 70 tàu ngầm các loại, thế nhưng nòng cốt của hải quân Trung Quốc vẫn là các tàu hộ vệ mang tên lửa, dẫn đầu là lớp Type 056.

Type 056 hiện là lớp tàu chiến có số lượng lớn nhất trong biên chế hải quân Trung Quốc, 72 chiếc. Điều khá đặt biệt là Bắc Kinh chỉ mất chưa tới 10 năm để xây dựng hạm đội Type 056, với tàu đầu tiên được khởi đóng vào năm 2012. Như vậy các nhà máy đóng tàu Trung Quốc chỉ mất khoảng 90 ngày để hạ thủy một tàu chiến có lượng giãn nước 1.500 tấn như Type 056.

Dĩ nhiên Trung Quốc có mục tiêu rõ ràng khi trang bị số lượng lớn tàu chiến như Type 056, nó sẽ dẫn thay thế các lớp tàu hộ vệ đã lỗi thời như Type 037. Bản thân Type 056 cũng được thiết kế theo hướng đa nhiệm có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau trên biển từ tuần tra, chống hạm, chống ngầm cho tới phòng không.

Dù vậy Type 056 vẫn có những nhược điểm khi tầm hoat động hạn chế và không phù hợp với định hướng phát triển hải quân nước xanh mà Trung Quốc đang theo đuổi, buộc Bắc Kinh phải có những hướng đi mới. Trong số đó có việc từng bước xây dựng nhóm tác chiến tàu sân bay.

Từng bước xây dựng nhóm tàu sân bay

Cũng với thời điểm phát triển Type 056, từ năm 2012, Trung Quốc bắt đầu tập trung vào việc xây dựng các tàu sân bay mới. Nước này đã có hai tàu trong biên chế và một tàu khác đang được đóng.

Kể từ năm 2016, thời điểm Trung Quốc lần đầu tiên giới thiệu tàu sân bay Liêu Ninh họ chỉ mất 3 năm (2019) để đưa Sơn Đông - tàu sân bay thứ 2 đi vào hoạt động (khởi đóng từ năm 2013). Còn tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc cũng sắp hoàn thành.

Điều đáng nói là các tàu sân bay Trung Quốc không ngừng được hiện đại hóa qua từng thế hệ, so với Liêu Ninh (Type 001), Sơn Đông (Type 002) được trang bị các hệ thống radar quét mảng pha điện tử (AESA) tiên tiến và có thể mang theo nhiều máy bay chiến đấu hơn (từ 24 đến 30 chiếc J-15).

Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc (Type 003) hiện đang được đóng tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải. Không giống như Sơn Đông, Giang Nam chế tạo chiếc Type 003 theo công nghệ modul (vốn được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ) để lắp ráp các phần của con tàu với nhau trên ụ cạn. Phải nói thêm rằng các tàu sân bay hạt nhân của Mỹ cũng được chế tạo với cách thức tương tự.

Dàn tàu chiến giúp Trung Quốc trở thành siêu cường hải quân ở Thái Bình Dương - 2

Type 003 - tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc đang dần hình thành. (Ảnh: Navy Recognition)

Có nhiều thông tin cho thấy Type 003 sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống động lực sử dụng năng lượng hạt nhân, ngoài ra nó còn trang bị máy phóng máy bay hơi nước (hoặc điện từ) thay cho thiết kế cất cánh kiểu nhảy cầu như trên Liêu Ninh và Sơn Đông.

Tuy nhiên, tàu sân bay hạt nhân không phải là mục tiêu duy nhất mà hải quân Trung Quốc hướng tới. Nước này còn muốn tăng cường năng lực triển khai lực lượng không quân trên biển thông qua các tàu tấn công đổ bộ Type 075 được thiết kế tương tự như lớp Wasp của hải quân Mỹ. Chỉ trong chưa tới một năm (tháng 9/2019 – tháng 4/2020), Trung Quốc đã hạ thủy 2 tàu đổ bộ loại này.

Dự kiến hải quân Trung Quốc có thể hoàn thành việc biên chế 3 tàu Type 075 trong năm 2025.

Các chuyên gia quân sự đánh giá, hải quân Trung Quốc có thể đang kỳ vọng biến Type 075 thành tàu sân bay cỡ nhỏ khi họ có trong tay một dòng tiêm kích trên hạm có thể cất hạ cánh thẳng đứng, giống điều Mỹ đang làm với lớp Waps và dòng tiêm kích tàng hình F-35C.

Một tàu chiến mặt nước khác trong hạm đội của Trung Quốc cũng được giới quan sát chú ý tới trong thời gian gần đây chính là lớp khu trục hạm tàng hình Type 055, một siêu chiến hạm với lượng giãn nước lên đến 13.000 tấn, vượt xa các lớp tàu chiến lớn nhất của Mỹ.

Dàn tàu chiến giúp Trung Quốc trở thành siêu cường hải quân ở Thái Bình Dương - 3

Tàu khu trục hạm Type 055 thứ 2 của Trung Quốc được hạ thủy vào tháng 4/2018. (Ảnh: Top81)

Giống như các lớp khu trục Arleigh Burke hay tuần dương hạm Ticonderoga của hải quân Mỹ, Type 055 được thiết kế như một tàu chiến đa năng với nhiệm vụ bảo vệ nhóm tàu sân bay còn “non trẻ” của Trung Quốc trước mọi cuộc tấn công. Hải quân Trung Quốc hiện có trong biên chế hai chiếc Type 055, một tàu khác đang thử nghiệm trên biển.

Mỗi tàu khu trục Type 055 đều được trang bị một hải pháo H/PJ-38 130mm, cùng 112 bệ phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) có khả năng triển khai nhiều dòng tên lửa khác nhau từ chống hạm, tấn công mặt đất, chống ngầm cho đến phòng không. Ngoài ra tàu cũng được trang bị hai trực thăng hải quân.

Mục tiêu của hải quân Trung Quốc là có thể đưa vào trang bị từ 8 đến 16 tàu Type 055 trong vòng 10 năm tới.

Ngoài các tàu đã kể trên, các lớp tàu chiến khác của Trung Quốc như lớp khinh hạm Type 054A, lớp khu trục Type 052D đều được biến chế mới hàng năm với số lượng nhất định nhằm thay thế các tàu mặt nước kiểu cũ. Với tốc độ này, hải quân Trung Quốc hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu hiện đại hóa lực lượng trong ba năm tới.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn