Thông tin trên được tờ Forbes dẫn lại từ báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc về tiềm lực quân sự Trung Quốc, đồng thời cho rằng Bắc Kinh đang nắm trong tay lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính về số lượng tàu chiến.
Theo đó, hải quân Trung Quốc đang có trong biên chế 355 tàu chiến các loại, chia thành 3 hạm đội, hoạt động dọc theo các vùng biển sát với nước này. Trong khi đó, số tàu chiến của hải quân Mỹ chỉ khoảng 300 chiếc, hơn 60% số tàu được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương, số còn lại được chia đều cho các hạm đội khác.
Cũng theo báo cáo của Lầu Năm Góc, hải quân Trung Quốc có kế hoạch bổ sung thêm 70 tàu chiến mới trong giai đoạn từ này đến năm 2030, còn mục tiêu của hải quân Mỹ chỉ khoảng 42 tàu. Điều này tạo ra sức ép không hề nhỏ đối với Washington nếu họ muốn tiếp tục duy trì ưu thế trên biển trước Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng hầu hết các tàu chiến Mỹ đều lớn hơn rất nhiều so với tàu Trung Quốc. Ngay như lớp tàu chiến nhỏ nhất của Mỹ - tàu chiến đấu ven biển (LCS) có lượng giãn nước 3.000 tấn, đến các tàu khu trục hạm thông thường như lớp Arleigh Burke lượng nước là 9.500 tấn.
Về phía Trung Quốc, các lớp tàu chiến nhỏ nhất của nước này như tàu hộ vệ mang tên lửa Type 056 chỉ có lượng giãn nước 1.500 tấn, còn các tàu khinh hạm Type 054 cũng chỉ khoảng 4.000 tấn.
Cụ thể, hạm đội tàu chiến của Mỹ có tổng trọng tải khoảng 4,5 triệu tấn. Còn hạm đội Trung Quốc chỉ hơn 2 triệu tấn một chút.
Vì sao Mỹ cần tàu chiến cỡ lớn?
Sở dĩ trọng tải có ý nghĩa như vậy là bởi một con tàu lớn có thể mang theo nhiều vũ khí hơn và khả năng nó trụ lại khi bị tấn công cũng cao hơn so với tàu nhỏ. Nhưng việc Mỹ đóng tàu chiến cỡ lớn còn vì nguyên nhân khác.
Cụ thể, ngoại trừ một số tàu đồn trú thường xuyên ở Nhật Bản và Guam, phần lớn tàu chiến Mỹ đều phải di chuyển qua lại giữa các đại dương. Chúng thường xuất phát từ các căn cứ ở quê nhà như San Diego, Hawaii hoặc bang Washington.
Bryan McGrath, Giám đốc công ty tư vấn hải quân thuộc tập đoàn FerryBridge cho biết, khi tàu chiến đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong phạm vi cho phép với số nhiên liệu nó có thể mang theo thì con tàu đó không cần đến sự hỗ trợ quá nhiều về hậu cần. Mọi thứ còn lại đều có thể được bổ sung ở căn cứ chính.
Phải lưu ý rằng, khu vực tàu chiến Trung Quốc thường hoạt động cách bờ biển nước này chỉ vài trăm km hoặc dưới 1.000km. Vì vậy khi tác chiến ven biển, các tàu hộ vệ, khinh hạm hoặc khu trục hạm Trung Quốc vẫn có lợi thế nếu đối đầu với tàu chiến cỡ lớn của Mỹ.
Tuy nhiên, hải quân Mỹ vẫn có khả năng rút ngắn phạm vi tác chiến khi xây dựng thêm các căn cứ mới ở Đông Nam Á, điển hình như vịnh Subic ở Philippines. Trong quá khứ, Mỹ từng thuê căn cứ Subic nhưng đã rút khỏi đây vào năm 1992 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Từ vịnh Subic, nhóm tàu chiến của hải quân Mỹ có thể chủ động hơn tác chiến với các tàu có lượng giãn nước dưới 4.000 tấn.
Theo chuyên gia hải quân Jerry Hendrix giải thích: “Khi Mỹ rút khỏi Philippines, dẫn đến hệ lụy là chúng tôi phải xây các đội tàu lớn hơn và có thể đi xa hơn nếu muốn tiếp tục duy trì hiện diện trong khu vực. Nếu quay lại Subic, hải quân Mỹ sẽ có cơ hội tái cấu trúc lại hạm đội với các tàu chiến nhỏ hơn”.
Đúng như phân tích của Hendrix, hải quân Mỹ đã bắt đầu xây dựng một lực lượng luân phiên ở Singapore với bốn tàu chiến LCS nhằm tăng cường khả năng hỗ trợ cho các nhóm tàu khác của họ trong khu vực khi cần thiết. Điều này có thể là bước ngoặt để Lầu Năm Góc xây dựng các căn cứ quy mô vừa và nhỏ ở nước ngoài cho phép hải quân Mỹ triển khai các tàu chiến nhỏ hơn.
Dù vậy, McGrath lại không ủng hộ ý tưởng này bởi làm như vậy hải quân Mỹ sẽ mất thêm khoản ngân sách lớn để xây dựng và duy trì lực lượng.
Nhìn chung, hải quân Mỹ vẫn muốn xây dựng các hạm đội tàu chiến cỡ lớn thay vì các tàu cỡ nhỏ, bởi chúng có thể đáp ứng được nhiều nhiệm vụ khác nhau và không tạo thêm gánh nặng về ngân sách. Ở góc độ nào đó, chiến lược này sẽ khiến hải quân Mỹ trông có phần lép vế trước hạm đội tàu chiến đông đảo của Trung Quốc.
Bình luận