Nghiên cứu được thực hiện với khoảng 4.000 nhân viên y tế, cảnh sát, lính cứu hỏa và những nhân viên làm công việc thiết yếu khác tại Mỹ. Qua đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ phát hiện ra rằng vaccine làm giảm 80% nguy cơ lây nhiễm sau một liều, 90% sau liều thứ hai.
Các phát hiện này phù hợp với kết quả thử nghiệm lâm sàng và kết quả nghiên cứu về hiệu quả của vaccine ở Israel và Vương quốc Anh.
Báo cáo của CDC có ý nghĩa quan trọng vì nó phân tích mức độ hoạt động của vaccine trong một nhóm đa dạng những người trưởng thành, trong độ tuổi lao động, làm việc ở tuyến đầu chống dịch, trong điều kiện dễ tiếp xúc với virus.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết nghiên cứu cũng cho thấy các nỗ lực tiêm chủng quốc gia đang có kết quả, mang lại hy vọng cho những người dân Mỹ chuẩn bị tiêm vaccine sắp tới.
Nghiên cứu vẫn đang diễn ra và các nhà nghiên cứu sẽ chia sẻ chi tiết hơn về khả năng lây nhiễm ở những người đã được tiêm chủng bước đầu hoặc đã hoàn tất quá trình. Họ cũng đang nghiên cứu xem những người bị nhiễm virus sau khi tiêm phòng có thể bị bệnh ít nghiêm trọng hơn hay nhanh chóng phục hồi hơn hay không.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và vaccine cho biết dữ liệu mới nhất cho thấy các dấu hiệu rất đáng khích lệ.
Mark G. Thompson, nhà dịch tễ học của CDC và là tác giả chính của báo cáo cho biết: “Điều rút ra được ở đây là kể từ 14 ngày sau khi nhận cả hai liều vaccine, những nhân viên tuyến đầu ít có khả năng bị nhiễm virus gây COVID-10 hơn 90%”.
Ông nói, việc giảm nguy cơ lây nhiễm, có thể xảy ra vài ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện, đặc biệt quan trọng đối với nhân viên y tế và những nhân viên làm công việc thiết yếu khác, trong trường hợp họ bị mắc bệnh mà không biết.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem người được tiêm chủng có thể được bảo vệ chống lại căn bệnh trong bao lâu và liệu hai liều vaccine có mang lại sự bảo vệ lâu dài hơn một liều hay không.
Bình luận