• Zalo

Mỹ gỡ một phần cấm vận vũ khí sát thương: Chuyên gia quân sự nói gì?

Thế giớiThứ Hai, 06/10/2014 12:02:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đại tá Lê Văn Vỵ, chuyên gia quốc phòng nói về những thay đổi tầm quốc tế khi Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

(VTC News) - Đại tá Lê Văn Vỵ, chuyên gia quốc phòng nói về những thay đổi tầm quốc tế khi Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn báo điện tử VTC News về phản ứng của các nước sau khi Mỹ tuyên bố gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Đại tá Lê Văn Vỵ, chuyên gia quân sự của Bộ Quốc phòng khẳng định: "Việt Nam mua vũ khí của Mỹ là để tăng cường sức mạnh quân đội chứ không nhằm vào bất kỳ nước nào".

- Điểm khác nhau lớn nhất giữa vũ khí phi sát thương và sát thương là gì thưa ông?

Về vũ khí, chúng ta có thể phân loại theo sát thương và phi sát thương. Các loại vũ khí phi sát thương có thể kể đến như vòi rồng, lựu đạn khói, lựu đạn hơi cay.. những vũ khí không gây thương tích cho con người.

Sát thủ săn ngầm P-3C Orion có thể là một mặt hàng trong tương lai của Mỹ bán cho Việt Nam 

Tuy nhiên, số lượng vũ khí này khá ít còn lại các vũ khí đa số đều có tính sát thương nhưng trong đó lại chia nhỏ thành vũ khí phòng thủ và vũ khí tấn công.

Với sự phát triển của kỹ thuật quân sự, hiện nay có những loại vũ khí thay đổi tính chất theo từng nhiệm vụ.

Giả sử, một chiếc máy bay được gắn radar, cảm biến và các loại máy quay do thám, trinh sát thì nó chỉ đơn thuần là vũ khí phòng thủ. Nhưng nếu thay vào đó là bom, tên lửa hay súng máy thì chiếc máy bay nghiễm nhiên trở thành vũ khí tấn công.

 

Mối quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng được mở rộng và thực chất hơn.
Đại tá Lê Văn Vỵ
 
Bên cạnh đó, vẫn có những vũ khí chỉ để tấn công như súng, đạn, tên lửa, xe tăng.. đó là cách phân biệt về vũ khí sát thương hay phi sát thương.

- Theo ông, trong thời gian tới Mỹ có thể sẽ bán cho Việt Nam những loại vũ khí sát thương nào?


Trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đến Mỹ vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã thông báo phía Washington sẽ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Điều này cho thấy đây là một bước đi mà Mỹ đã tính toán rất thận trọng.

Tuy nhiên, để sử dụng một loại vũ khí mới cần có một quá trình. Bắt đầu từ nghiên cứu tính năng, khả năng vận dụng với yêu cầu của Việt Nam và quan trong nhất là kế hoạch sử dụng sau khi biên chế vào quân đội.

Đại tá Lê Văn Vỵ - Ảnh: Tùng Đinh 

Sau khi có tuyên bố của Mỹ, Việt Nam ghi nhận sự chuyển biến tích cực này nhưng việc mua bán loại vũ khí nào thì cả 2 bên phải bàn bạc kỹ hơn nữa.

Hiện nay, trên internet có một số thông tin về việc Việt Nam có thể mua máy bay P-3C Orion của Mỹ. Điều này phù hợp với lợi ích của Mỹ khi P-3C Orion     là máy bay trinh sát biển rất tốt, khi Việt Nam sử dụng trên biển Đông, Mỹ có thể yên tâm hơn về an ninh hàng hải qua tuyến đường biển này.

- Qua quyết định này của Mỹ, liệu có phải mối quan hệ Việt – Mỹ đang ngày càng khăng khít hơn, thưa ông và điều đó có ý nghĩa gì với Việt Nam?


Sau khoảng thời gian chiến tranh và cấm vận, từ 1995 đến nay, mối quan hệ Việt – Mỹ liên tục được cải thiện. Sang năm 2015, 2 nước sẽ có những bước tiến mới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hiện nay, Mỹ là một trong 5 thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, mối quan hệ giữa 2 nước đã được triển khai trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả quân sự, quốc phòng.
 

Việt Nam mua vũ khí của Mỹ là để tăng cường sức mạnh quân đội chứ không nhằm vào bất kỳ nước nào.
Đại tá Lê Văn Vỵ
 


Sau khi xóa bỏ một phận lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, có thể nói đó là tín hiệu cho thấy mối quan hệ đang ngày càng được mở rộng và thực chất hơn.

- Hiện nay, có thể nói Nga là một trong những đối tác lớn của Việt Nam về công nghiệp quốc phòng, việc Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương liệu có làm thay đổi mối tương quan quân sự với Nga hiện nay hay không?

Về quan hệ quân sự, quốc phòng của Việt Nam với Liên Xô trước đây và Nga và một số nước thuộc Liên Xô cũ hiện nay là mối quan hệ truyền thống.

Liên Xô trước đây và Nga hiện nay đã viện trợ, bán cho chúng ta nhiều vũ khí, góp phần tạo nên sức mạnh quân đội Việt Nam.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi Việt Nam đã mua các dàn tên lửa, máy bay, radar, tàu nổi và tàu ngầm của Nga. Điều đó cho thấy mối quan hệ này vẫn đang ngày càng phát triển.

Tàu cảnh sát biển 8002 mới hạ thủy là một trong những sản phẩm công nghệ nước ngoài được Việt Nam làm chủ

Việt Nam hiện nay thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại vì vậy, việc Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương sẽ không tạo ra sự thay đổi gì tới các mối quan hệ truyền thống về quốc phòng như Việt Nam – Nga.

- Ông dự đoán gì về phản ứng của Bắc Kinh với quyết định này của Washington?


Trung Quốc đã có nhiều bài viết trên báo chí chính thống cho thấy họ theo dõi rất kỹ về vấn đề này.

Tuy nhiên, Việt Nam củng cố sức mạnh quân sự là để tăng cường khả năng phòng thủ. Sau hành chục năm chiến tranh gian khổ, Việt Nam hơn nước nào hết hiểu rõ sự quý giá của hòa bình, ổn định.

Các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á hay trên thế giới đều hiểu rõ nguyện vọng bảo vệ chủ quyền của thiêng liêng Việt Nam và việc Việt Nam mua vũ khí của Mỹ là để tăng cường sức mạnh quân đội chứ không nhằm vào bất kỳ nước nào.

- Việc mua vũ khí Mỹ hiện nay được cho là sẽ phải kèm theo nhiều thay đổi về các công trình, phương tiện phụ trợ, ông có thể làm rõ vấn đề này được không?


Để sử dụng một loại vũ khí mới cần có thời gian tìm hiểu, huấn luyện, thực hành và một giai đoạn rất quan trọng nữa là sửa chữa, bảo dưỡng. Bên cạnh đó là những công trình hỗ trợ cũng cần được nâng cấp, vì dụ như cải tạo cảng để phù hợp với tàu ngầm mới mua từ Nga.

Video sức mạnh của máy bay P-3 Orion của quân đội Mỹ

Khi mua các vũ khí, khí tài của Mỹ thì cần đầu tư công tác hậu cần đi kèm. Bên cạnh đó, để quyết định mua một loại vũ khí nào đó cả 2 bên bán và mua sẽ phải bàn bạc kỹ lưỡng dựa trên những lợi ích chung.

- Sức mạnh của lực lượng vũ trang Việt Nam sẽ được củng cố, gia tăng thế nào sau khi mua thêm các vũ khí Mỹ, thưa ông?

Nếu Việt Nam có thể mua những vũ khí sát thường từ Mỹ và trải qua quá trình để đưa vào biên chế, sử dụng trong quân đội thì sức mạnh của chúng ta sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, truyền thống của Việt Nam là nghệ thuật quân sự, biết cách ứng biến để lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều bằng chiến tranh nhân dân.

Từ đó có thể thấy rằng, vũ khí Mỹ có thể tăng cường sức mạnh cho Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng đó không phải là yếu tố quyết định, cũng không phải yếu tố hàng đầu.

Sức mạnh của quân đội Việt Nam vẫn nằm ở truyền thống, sự cảnh giác và tinh thần yêu nước trải qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc ta.

Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ của nhân loại về khoa học kỹ thuật, Việt Nam cần có sự đầu tư để những người lính trên không, trên cạn và trên biển tự tin hơn trong công tác khi đã có nhân dân đứng phía sau.

Tùng Đinh
(Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn