Đây là lần đầu tiên Manila và Washington mô phỏng cuộc tấn công trên biển và thực hiện cuộc tập trận bắn tên lửa ở Biển Đông. Cuộc tập trận được tổ chức nhằm tăng cường năng lực quân sự của Philippines, đồng thời thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh Đông Nam Á.
Trong cuộc tập trận, 6 quả tên lửa từ hệ thống tên lửa chính xác HIMARS của Mỹ nhắm bắn vào một tàu hải quân Philippines đã ngừng hoạt động neo đậu cách bờ biển khoảng 20 km.
Phát ngôn viên của cuộc tập trận Balikatan, Đại tá Michael Logico của quân đội Philippines khẳng định cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines không nhằm vào một quốc gia cụ thể.
“Lý do chúng tôi thực hiện cuộc tập trận này là nhằm chứng tỏ khả năng phối hợp tác chiến với các đối tác Mỹ - vốn cũng là đồng minh Hiệp ước quân sự Mỹ - Philippines", ông Michael Logico cho hay.
Các cuộc tập trận bắn đạn thật cũng có sự tham gia của các đơn vị pháo binh trên bộ và một máy bay trực thăng Bell AH-1 Cobra bắn tên lửa vào các mục tiêu nổi ngoài khơi.
Hoạt động bắn đạn thật nằm trong cuộc tập trận quân sự chung mang tên "Balikatan" lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước. Cuộc tập trận Balikatan bắt đầu hôm 11/4, kéo dài 2 tuần.
Gần 18.000 binh sĩ đã tham gia cuộc tập trận này. Hoạt động bao gồm việc cho các máy bay trực thăng hạ cánh xuống một đảo của Philippines ngoài khơi mũi phía bắc của đảo Luzon.
Mỹ cũng sử dụng tên lửa Patriot trong tập trận. Đây được coi là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới.
Cuộc tập trận Balikatan năm 2023 diễn ra khi Philippines vừa công bố địa điểm của 4 căn cứ lực lượng Mỹ được sử dụng ở nước này.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, cùng với Đại sứ Mỹ tại Philippines MaryKay Carlson và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr, theo dõi cuộc tập trận từ một tháp quan sát gần bờ biển.
Cuộc tập trận bắn đạn thật giữa quân đội Mỹ và Philippines diễn ra 5 ngày trước khi Tổng thống Marcos bay tới Mỹ để có cuộc gặp song phương với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng.
Bình luận