Ngày 11/3, Bộ Quốc phòng Nga công bố đoạn video thử nghiệm tên lửa siêu thanh với độ chính xác cao Kinzhal, còn trước đó vào ngày 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hàng loạt vũ khí mới mang tính đột phá của Nga, bao gồm lò phản ứng hạt nhân có thể trang bị cho tên lửa hành trình để tên lửa có tầm hoạt động không giới hạn về mặt lý thuyết, cũng như tàu lượn siêu thanh Avangard với tốc độ di chuyển lên đến 20 Mach.
RT cho rằng Mỹ có những đóng góp nhất định vào quá trình phát triển những loại vũ khí mang tính chất đột phá của Nga này. Cụ thể, các loại vũ khí đột phá nói trên của Nga đều được phát triển nhằm mục đích xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, do đó có thể kết luận rằng Mỹ gián tiếp tạo ra động lực thúc đẩy việc phát triển vũ khí mới của Nga.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Megin Kelly đến từ NBC, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước về Tên lửa chống Tên lửa đạn đạo (ABM) khiến Matxcơva buộc phải phát triển các loại vũ khí hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa gần khu vực biên giới nước Nga khiến cho Matxcơva buộc phải phản ứng.
Do đó, Điện Kremlin phản ứng lại các động thái của Nhà Trắng bằng việc phát triển các loại đủ khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, ông Putin giải thích. “Chúng tôi tạo ra hàng loạt vũ khí chiến lược mới không bay theo quy tắc đạn đạo và các hệ thống vũ tên lửa chống lại chúng đều trở nên vô dụng”, Tổng thống Putin khẳng định.
Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vẫn là yếu tố quan trọng gây ra cuộc chạy đua vũ trang hiện nay, đồng thời nhận định rằng lý do đối phó “các mối đe dọa từ Iran và Triều Tiên” của Lầu Năm Góc chỉ là lời ngụy biện cho hành động chạy đua vũ trang mà hệ thống phòng thủ tên lửa là điển hình.
Video: Quân đội Nga thử nghiệm tên lửa siêu thanh Kinzhal
Bên cạnh việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền, Mỹ còn thực hiện nghiên cứu phát triển các chiến hạm được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa với “trái tim” là Hệ thống Chiến đấu Aegis. Tính tới thời điểm hiện tại, hệ thống Aegis được lắp đặt trên 5 tuần dương hạm lớp Ticonderoga và 30 khu trục hạm lớp Arleigh Burke.
Mỗi tuần dương hạm lớp Ticonderoga được trang bị 122 ống phóng thẳng đứng Mk 41 và khu trục hạm lớp Arleigh Burke được trang bị 90 hoặc 96 ống phóng thẳng đứng Mk 41 (tùy phiên bản) với khả năng phóng các loại tên lửa phòng không, tên lửa chống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Tomahawk.
“Về lý thuyết, có thể có đến 1.000 tên lửa hành trình Tomahawk được triển khai trên các chiến hạm có khả năng phòng thử tên lửa đạn đạo của Mỹ. Khi những chiến hạm có khả năng phòng thủ tên lửa này đi vào vùng Biển Đen và Biển Baltic, chúng tạo ra mối đe dọa đến khu vực châu Âu của nước Nga bởi không rõ loại tên lửa nào được đưa vào ống phóng Mk 41”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga ghi rõ.
Bên cạnh khả năng chống tên lửa diệt hạm, các chiến hạm Aegis của Mỹ hoàn toàn đủ khả năng ghi nhận thông tin về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Nga thông qua hệ thống vệ tinh quân sự đặc biệt chỉ trong vài giây, xác định đó là loại tên lửa nào để thực hiện việc bắn hạ.
Theo ông Putin, Mỹ đang cố gắng vô hiệu hóa lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, để duy trì cán cân chiến lược, Matxcơva buộc phải phát triển các hệ thống vũ khí đột phá có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của người Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh, mặc dù hiện tại Nga đang sở hữu các loại vũ khí có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, tuy nhiên phía Mỹ cũng đang tiếp tục tăng cường khả năng của các hệ thống phòng thủ tên lửa và Matxcơva không thể không lưu tâm điều này.
Bình luận