Ngay sau khi Fed nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp, lên 3-3,25%, chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - tăng vọt lên mức 111,66 điểm vào 9h30 ngày 22/9 (giờ Việt Nam). Đây là mức cao kỷ lục mới trong 20 năm qua, hơn mức 110,79 điểm, ghi nhận đầu tháng 9/2022.
Đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất trong gần 40 năm. Một bảng Anh (GBP) chỉ còn đổi được 1,1231 USD. Lần đầu tiên trong 4 thập kỷ qua, bảng Anh xuống dưới mốc 1,13 USD/bảng.
Bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1985 do USD tăng mạnh và nền kinh tế Anh yếu kém, đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài. Nước Anh cũng như Liên minh châu Âu (EU) vật lộn với giá cả tăng vọt và chi phí năng lượng cao, do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) chiều 22/9 (giờ Việt Nam) sẽ có cuộc họp chính sách, nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất.
Đồng euro của Liên minh châu Âu (EU) cũng xuống mức thấp nhất so với USD trong 20 năm qua. Tính tới 9h40 ngày 22/9 (giờ Việt Nam), 1 euro còn đổi được 0,98 USD. Trước đó, hồi đầu tháng 9, lần đầu tiên kể từ 2002 euro thấp giá hơn USD.
Tại châu Á, đồng won của Hàn Quốc (KRW) giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ và lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 1 USD đổi 1,4 won. Hàn Quốc đang tính biện pháp can thiệp vào những biến động quá đà của đồng won. Từ đầu năm tới nay, won đã giảm khoảng 18% so với USD.
Gần đây, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cũng xuống dưới ngưỡng quan trọng: 1 USD đổi 7 NDT khi mà chênh lệch giữa chính sách tiền tệ của Trung Quốc và Mỹ ngày một lớn. Trong khi Fed của Mỹ liên tục tăng lãi suất thì Bắc Kinh có xu hướng bơm tiền kích thích khi kinh tế suy giảm tăng trưởng.
Trước đó, NDT đã rớt xuống dưới ngưỡng 1 USD đổi 7 NDT vào thời kỳ dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát hồi đầu năm 2020.
Đồng yen Nhật cũng sụt giảm lịch sử, xuống mức thấp nhất trong vài chục năm trong bối cảnh nước Nhật vẫn chưa có động thái rõ ràng nào trước con sóng tăng giá kỷ lục của đồng USD.
Sáng 22/9, yen Nhật rớt xuống ngưỡng 144,5 yen đổi 1 USD, thấp nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Trước đó, ngày 6/9 (giờ Việt Nam), đồng yen Nhật chứng kiến cú sụt giảm gần 2% so với USD chỉ trong một đêm, rớt từ ngưỡng 140 yen đổi 1 USD xuống 143 yen đổi 1 USD. Đây là một mức giảm giá hiếm có trong một phiên đối với một đồng tiền và trên thị trường tiền tệ thế giới.
Tính từ đầu năm tới nay, đồng yen Nhật đã giảm hơn 25%, vượt qua mức giảm lịch sử năm 1979 (khi đó yen mất giá 19,1%).
Yen Nhật và các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới giảm mạnh và xuống đáy trong hàng chục năm qua trong bối cảnh đồng USD tăng giá dữ dội và vẫn nằm trong xu hướng đi lên, khi Fed áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và phát đi tín hiệu tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất.
Trong khi đó, Nhật Bản và nhiều nước vẫn khá chậm trong các phản ứng chính sách.
Rạng sáng 22/9 (giờ Việt Nam), Fed nâng lãi suất lên 3-3,25% và cho biết sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên mức 4,6% trong năm 2023. Từ đầu năm tới nay, Fed đã 5 lần tăng lãi suất, mức tăng tổng cộng 300 điểm phần trăm.
Theo biểu đồ dot-plot, thể hiện kỳ vọng lãi suất của các thành viên Fed, Fed sẽ chỉ bắt đầu giảm lãi suất từ năm 2024.
Trước đó, tại Hội nghị tại Jackson Hole hôm 25-26/8, nơi mà các quốc gia thể hiện lập trường chính sách tiền tệ mang tính chiến lược, chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định quan điểm rõ ràng của Mỹ rằng, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát cho dù thừa nhận chính sách này sẽ làm tổn thương mà doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ.
Hiện tại, trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương các nước chưa nâng lãi suất và đứng trước áp lực đồng nội tệ giảm giá khá lớn.
Trong hội nghị Jackson Hole, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn kiên quyết giữ chính sách tiền tệ nới lỏng. Đồng yen Nhật được dự báo có thể còn tăng mạnh nữa nếu vượt qua ngưỡng 145. Làn sóng bán tháo sẽ ngày càng mạnh.
Đồng yen Nhật sụt giảm hàng chục phần trăm khiến người Việt Nam lao động tại Nhật chứng kiến thu nhập giảm khi đổi tiền gửi về nước.
Tại Việt Nam, sáng 22/9, các ngân hàng thương mại đồng loạt niêm yết giá USD tăng thêm khoảng 15 đồng so với VND. Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm từ mức 23.301 hôm qua lên 23.316 sáng 22/9. Với mức trần +3%, giá được phép giao dịch là gần 24.016 đồng/USD.
Tuy nhiên, Hội sở Ngân hàng Nhà nước vẫn bán USD ở mức 23.700 đồng. Điều này làm giảm áp lực lên tỷ giá ở các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc NHNN phải giảm dự trữ ngoại hối, vốn đã giảm khoảng 12% từ đầu năm cho tới đầu tháng 9/2022.
Bình luận